Cơ quan soạn thảo nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp Việt Nam, các nội dung về thi hành án hình sự và cưỡng chế thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại đã được luật hóa. Tuy nhiên, do pháp nhân thương mại là nội dung mới, rất phức tạp, nên rất khó để quy định chi tiết ngay trong Luật.
Do vậy, để có thể tổ chức thực hiện cưỡng chế thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại trên thực tế, dự thảo Nghị định này quy định về nguyên tắc, biện pháp, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 158 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Dự thảo Nghị định gồm 4 chương 38 điều, trong đó, Chương II đã cụ thể hoá trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế.
Theo đó, các trường hợp áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản bao gồm: thi hành cưỡng chế đối với việc chấp hành hình phạt đình chỉ toàn bộ hoạt động có thời hạn; thi hành cưỡng chế đối với việc chấp hành hình phạt cấm kinh doanh, cấm hoạt động (trong trường hợp cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong tất cả các lĩnh vực); cấm huy động vốn; thi hành cưỡng chế chấp hành biện pháp tư pháp.
Biện pháp kê biên tài sản cũng sẽ được áp dụng để bảo đảm việc cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 82 Bộ luật Hình sự.
Một số tài sản thuộc diện không được kê biên cũng đã được liệt kê chi tiết. Đó là tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức. Thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động. Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh. Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường cũng là những tài sản thuộc diện không được kê biên.