Tai nạn rình rập trên các tuyến quốc lộ

Đồng Nai có 4 tuyến quốc lộ (QL) đi qua gồm QL1, QL20, QL51 và QL56. Từ đầu năm 2017 đến nay, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên các tuyến QL này diễn biến rất phức tạp với số vụ tai nạn tăng cao so với cùng kỳ năm 2016.
Ngã tư Vũng Tàu - điểm đầu QL51 giao với QL1 đang là ‘điểm đen” giao thông
Ngã tư Vũng Tàu - điểm đầu QL51 giao với QL1 đang là ‘điểm đen” giao thông
 Liên tiếp xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng, khiến nhiều đoạn, tuyến QL trở thành nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông.
Còn 32 “điểm đen” tai nạn
Ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở GTVT, Phó ban An toàn giao thông (ATGT) Đồng Nai, cho biết trong 9 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 263 vụ TNGT, làm chết 208 người, bị thương 176 người, gây thiệt hại tài sản ước tính hơn 1,5 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ năm nay giảm 28 vụ. Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 254 vụ, chết 198 người, bị thương 168 người và xảy ra chủ yếu vẫn trên các tuyến QL với 127 vụ, làm chết 106, bị thương 63 người. So với cùng kỳ năm 2016, tăng 14,4% số vụ, tăng 9,3% số người chết, tăng 6,8% số người bị thương (trong khi ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liền kề, số vụ TNGT trên các tuyến QL trong năm 2017 đã giảm mạnh). 
Trong số đó, 1 trong những nguyên nhân khiến tai nạn gia tăng trên các tuyến QL là do từ tháng 1-2015 sau khi dự án cải tạo nền mặt đường QL1 (mỗi hướng có 2 làn xe) hoàn thành đưa vào sử dụng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản chấp thuận cho phép các phương tiện được lưu thông hỗn hợp trên làn xe sát mép đường đối với các đoạn tuyến có dải phân cách giữa được lắp đặt biển báo phân làn, dẫn đến tình trạng mất ATGT nghiêm trọng. Trong gần 3 năm qua, đã xảy ra nhiều vụ TNGT gây chết người giữa ô tô (chủ yếu là xe khách, xe tải) với mô tô (chiếm 65% số vụ, 76,5% người chết và 45,5% người bị thương) và trong tổng số 40 vụ tai nạn trên làn lưu thông hỗn hợp, giữa xe 2, 3 bánh và ô tô xảy ra 26 vụ (chiếm 65%), làm chết 26 người  (chiếm 76,5%), bị thương 10 người (chiếm 45,5%). 
Hiện trên 4 tuyến QL qua địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn tồn tại 32 “điểm đen” và 6 “điểm tiềm ẩn” TNGT, trong đó có nút giao QL51 và đường dẫn lên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (huyện Long Thành) thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là vào các ngày thứ bảy và chủ nhật. Nguyên nhân mật độ phương tiện lên cao tốc lớn, có nhiều xe container; vòng xoay tại nút giao này quá lớn, trong khi đầu vào đường dẫn nhỏ, hẹp; xung đột giao thông giữa các phương tiện hướng từ Biên Hòa đi Vũng Tàu và hướng đi từ Vũng Tàu lên cao tốc. Trạm phát vé mới được lắp đặt trên đường cao tốc cách nút giao tuyến QL51 với khoảng cách rất gần (200m) và hình thức phát vé như hiện nay chưa phù hợp với tình hình giao thông thực tế. Ngoài ra, tiến độ thi công hạng mục “mở rộng đoạn tuyến Km0+300 - Km1+877, QL20 thuộc dự án xây dựng cầu vượt ngã tư Dầu Giây hiện nay rất chậm, cũng ảnh hưởng nhiều đến việc lưu thông của người dân, bên cạnh đó các biện pháp bảo đảm ATGT phạm vi khu vực thi công tuy có thực hiện nhưng chưa đầy đủ. 
Kiến nghị Bộ GTVT sớm xử lý các tồn tại
Để khắc phục tình trạng trên, Ban ATGT Đồng Nai đã có công văn kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo mở rộng mỗi bên tuyến QL1 thêm 1 làn đường dành cho xe 2, 3 bánh đoạn từ ngã tư Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất đến cầu Hang TP Biên Hòa (dài 32km). Trước mắt, hạn chế các phương tiện là xe container, xe khách và xe tải lưu thông trên làn hỗn hợp đối với các đoạn có lắp đặt dải phân cách giữa. Tỉnh kiến nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hỗ trợ kinh phí, đồng thời giao Chi nhánh BOT - Sông Phan triển khai thực hiện cải tạo hệ thống trụ đèn chiếu sáng bị vùi lấp trên QL1. 
Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ GTVT xử lý các điểm mất ATGT, ùn tắc giao thông trên QL1 và QL51 qua địa bàn tỉnh; chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam khẩn trương xem xét, có phương án cải tạo nút giao QL51 với đường dẫn lên cao tốc nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao này; kiến nghị Bộ GTVT triển khai các biện pháp hiệu quả hạn chế ùn tắc giao thông tại các vị trí trọng điểm như ngã ba Nhà máy nước Thiện Tân; nút giao QL1 với đường Điểu Xiển; ngã tư Vũng Tàu; ngã tư Dầu Giây; nút giao QL1 với đường Hùng Vương (Xuân Lộc)...
Một biện pháp nữa, theo Ban ATGT Đồng Nai, đó là bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, thường xuyên kiểm tra, duy tu, sửa chữa những hư hỏng, khơi thông cống dọc, đầu tư xây dựng mới hệ thống thoát nước, ngăn ngừa tình trạng ngập đường.

Tin cùng chuyên mục