Những năm qua, TPHCM luôn là địa phương đứng đầu danh sách các tỉnh, thành trong cả nước có số người chết vì tai nạn lao động (TNLĐ) nhiều nhất trong năm. Trong hội thảo “Kéo giảm TNLĐ ở địa bàn TPHCM - thực trạng và giải pháp”, do Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động TPHCM tổ chức ngày 1-6, nhiều đại biểu đề nghị các doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa làm việc an toàn, chứ không “mất bò mới lo làm chuồng”.
Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm cho biết, TP có hơn 400.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, với hơn 4,5 triệu lao động đang làm việc. Quy mô kinh tế lớn nhất cả nước nên TP cũng “nhức đầu” với TNLĐ. Riêng năm 2017, trong tổng số hơn 1.500 vụ TNLĐ trên địa bàn TP có đến 122 vụ có người chết, làm 123 người ra đi mãi mãi (tăng 4 người so với năm 2016).
TS Nguyễn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động TPHCM, đánh giá: TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ TNLĐ chết người (67%), chủ yếu là do điện giật, ngã cao. Nguyên nhân chính là các nhà thầu chính đã khoán lại cho các đơn vị nhỏ, lẻ làm theo kinh nghiệm, không xây dựng phương án thi công và không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn; công nhân không được trang bị đầy đủ dây an toàn, hoặc được trang bị nhưng không sử dụng, dù làm việc ở nơi cheo leo.
Đánh giá về thiệt hại do TNLĐ, TS Nguyễn Ngọc Hải cho hay, riêng năm 2017, TNLĐ ở TP gây thiệt hại 19 tỷ đồng và hơn 26.200 ngày nghỉ. TNLĐ không chỉ cướp đi sinh mạng của những người vốn là trụ cột kinh tế của gia đình, mà còn kéo theo những hệ lụy đau lòng khiến nhiều gia đình tan nát; cuộc sống của nhiều nạn nhân TNLĐ đã bị thay đổi một cách đột ngột theo chiều hướng xấu.
Theo ông Nguyễn Anh Thơ, Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB-XH), thiệt hại do TNLĐ không chỉ là những chi phí có thể tính được như viện phí, chi phí bồi thường, chi phí sửa chữa phương tiện, máy móc…, mà thiệt hại lớn hơn, khôn cùng là về tính mạng con người, chi phí cơ hội của người lao động khi bị thương tật do TNLĐ, chi phí cơ hội của doanh nghiệp khi xảy ra TNLĐ.
Ông Thơ yêu cầu các doanh nghiệp phân tích và nhìn nhận thấu đáo thiệt hại do TNLĐ gây ra. Đồng thời, doanh nghiệp cần có hệ thống phòng ngừa, nhận diện được các rủi ro trong lao động sản xuất, từ đó có giải pháp khắc phục, hạn chế sự việc đau lòng.
Đồng tình, GS-TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam, cho rằng việc quan trọng để giảm TNLĐ là phải nhận diện các nguy cơ rủi ro có thể xuất hiện tại đơn vị, doanh nghiệp để có các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát. Muốn vậy, doanh nghiệp cần kiểm tra nơi làm việc thường xuyên. Đánh giá hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa thực sự chủ động phòng ngừa, mà thường “mất bò mới lo làm chuồng”, TS - bác sĩ Trịnh Hồng Lân, Phân viện trưởng Phân viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Nam, cũng khuyến nghị chính các doanh nghiệp cần chủ động thiết lập được ý thức, tác phong công nghiệp và thói quen làm việc an toàn với bất kể công việc nào.
Về phía cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Thành Lâm, Chánh Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM, cho hay sẽ tiếp tục thanh tra đối với các doanh nghiệp xảy ra TNLĐ để khắc phục các hạn chế, ngăn ngừa TNLĐ tương tự xảy ra hoặc tái diễn. Các doanh nghiệp vi phạm an toàn lao động sẽ bị xử lý nghiêm; chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra nếu xảy ra TNLĐ nghiêm trọng. Sở LĐTB-XH cũng yêu cầu phòng LĐTB-XH của 24 quận, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý các cơ sở sản xuất thuộc các ngành, lĩnh vực có nguy cơ xảy ra TNLĐ, nhất là lĩnh vực thi công xây dựng, ngành nghề sản xuất, sử dụng và tồn trữ nhiều hóa chất nguy hiểm, độc hại. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP cũng xây dựng chương trình học về an toàn vệ sinh lao động, xây dựng văn hóa làm việc an toàn.