Gom các loại giấy tờ vào ứng dụng
Mới đây, tại họp báo công bố ứng dụng VNeID chính thức đưa vào hoạt động do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) tổ chức, Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng C06 thông tin, sau 4 tháng triển khai cấp thẻ định danh điện tử, đến nay đã thu nhận gần 6 triệu hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử cho công dân Việt Nam.
Tài khoản định danh điện tử VNeID là một phương thức để công dân quản lý thông tin CCCD điện tử, thông tin giấy tờ khi công dân có nhu cầu tích hợp và có thể thay thế các giấy tờ như thẻ CCCD, BHYT, đăng ký xe, giấy phép lái xe… Bên cạnh đó, người dân có thể thực hiện thông báo lưu trú không cần phải liên hệ cơ quan công an. Ngoài ra, VNeID còn có tính năng tố giác tội phạm hoặc thông báo, phản ánh về tình hình tội phạm.
Tài khoản định danh điện tử này bảo mật thông tin công dân, chính xác và duy nhất do được xác thực từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc được Chính phủ giao cho Bộ Công an quản lý. Theo Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, khi cài đặt ứng dụng vào điện thoại, người dân có thể dùng VNeID để thay thế các loại giấy tờ này trong giao dịch hành chính.
Theo C06, đơn vị sẽ tiếp tục cung cấp thêm tiện ích cho công dân trên VNeID như mã số thuế cá nhân nhằm cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số. “Tất cả hồ sơ được phê duyệt của công dân sẽ được kích hoạt tài khoản định danh trên VNeID, đây là ứng dụng quản lý công dân trên nền tảng kỹ thuật số”, Trung tướng Tô Văn Huệ cho biết.
Xây dựng từ nền tảng trước
VNeID vốn là ứng dụng khai báo di chuyển nội địa, lấy mã QR do Bộ Công an triển khai trong phòng chống dịch Covid-19 từ tháng 9-2021, nay được được bổ sung thêm tiện ích định danh, xác thực điện tử. Như vậy, với người đã cài VNeID trước đây, chỉ cần cập nhật ứng dụng hoặc tải mới ứng dụng VNeID từ IOS (với điện thoại iPhone) hay CHPlay (với hệ điều hành Android), sau đó khai báo các thông tin cá nhân theo hướng dẫn; cũng như dùng CCCD gắn chíp đặt sát smartphone để kết nối dữ liệu theo phương thức giao tiếp tiệm cận (NFC)… để xác thực tài khoản định danh.
Hiện nay, người dân được đăng ký tài khoản định danh điện tử VNeID nhưng không phải mọi thao tác đều online. Anh Hoàng Hùng, ở quận 7, TPHCM, cho hay: “Khi tôi đăng ký tài khoản định danh điện tử VNeID, đến bước thứ hai, ứng dụng báo “Đặt lịch đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2 (thực hiện trực tiếp tại cơ quan công an) thì có thể thấy hệ thống chưa sẵn sàng hoặc có thể dữ liệu chưa cập nhật đầy đủ”. Vì trên ứng dụng còn thông báo “Hồ sơ bị từ chối tiếp nhận”, dù đã kê khai đầy đủ, thậm chí kết nối dữ liệu theo phương thức NFC”, anh Hoàng Hùng lý giải thêm. Tuy nhiên cũng có những chia sẻ khác, như chị Thanh Loan, nhà ở Tân Bình, TPHCM kỳ vọng: “Định danh điện tử hay gom các loại giấy tờ tùy thân vào ứng dụng VNeID, có giá trị pháp lý rất tiện lợi, tôi mong chờ ứng dụng này hoàn thiện để được dùng”.
Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục bổ sung thông tin về bằng lái xe, các loại thẻ BHYT… cũng được tích hợp vào VNeID, như mục tiêu của phát triển ứng dụng định danh điện tử mà C06 hướng đến là ứng dụng công nghệ vào đời sống, mang đến nhiều tiện lợi cho người dân.
Trước mắt, C06 cần hoàn thiện và tự tin về công nghệ xác thực online để việc xác thực bước 2, tức người dân đăng ký định danh điện tử không cần đến cơ quan công an, nhất là khi người dân đã dùng CCCD gắn chíp để tích hợp thông tin vào ứng dụng VNeID. Có như vậy, định danh điện tử mới nhanh chóng đi vào đời sống, sớm đạt được những mục tiêu mà VNeID hướng đến.
Theo C06 (Bộ Công an), việc chia sẻ thông tin do người dân quyết định; Bộ Công an chỉ cung cấp thông tin nếu công dân đồng ý và bên sử dụng phải chịu trách nhiệm sử dụng thông tin này theo đúng quy định của pháp luật.