***
Ông Thịnh góa vợ năm 50 tuổi, khi đương chức giám đốc một công ty tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Hai con ông lúc đó cũng đã lớn, đứa đi làm, đứa đang học đại học. Do bận bịu công việc và cũng để bù đắp tình cảm cho hai con mất mẹ, ông không nghĩ đến chuyện tục huyền. Cách đây một năm, khi đã nghỉ hưu, ông bắt đầu cảm thấy trống vắng. Cô con gái lớn đã lập gia đình đi ở riêng, cậu con trai thì chưa muốn có vợ, suốt ngày chạy theo công việc.
Gần đây, nhập cùng nhóm những người về hưu, sáng sáng đi tập thể dục, ông quen với bà Minh (ngụ phường 8, TP Mỹ Tho). Cả hai tỏ ra tâm đầu ý hợp vì có cùng hoàn cảnh. Những buổi cà phê, những lần trò chuyện qua điện thoại khiến trong họ trỗi dậy một thứ tình cảm tưởng đã chôn vùi. Ông Thịnh cảm thấy vui vẻ, yêu đời hơn.
Bữa nọ, ông họp mặt cả nhà và tuyên bố sẽ kết hôn với bà Minh. Thế là sóng gió nổi lên, hai con ông phản đối dữ dội, cho rằng bà Minh thấy ông có của, định vào nhà thâu tóm tài sản, mặc cho ông phân trần là nhà bà Minh giàu không kém gì nhà ông, con cái cũng ăn nên làm ra.
Dùng tình cảm gây áp lực không xong, những đứa con của ông đến tận nhà bà Minh gây chuyện. Các con của bà cũng không nhịn, hai bên xung đột dữ dội và bà Minh cũng bị các con cấm cản không được đến với ông Thịnh. Từ đó, bà không còn sáng sáng ra công viên cùng ông tản bộ, điện thoại cũng đổi số.
Chẳng bao lâu sau, bà chấp nhận theo con ra nước ngoài sinh sống, chuyện này khiến ông Thịnh bị sốc nặng. Một hôm đang chơi cầu lông với bạn, ông Thịnh bị đột quỵ. Nhờ chữa trị kịp thời, ông thoát chết, nhưng bây giờ đi đâu cũng phải nhờ xe lăn. Đến lúc này, hai con của ông mới tỏ ra ân hận, nhưng mọi chuyện đã muộn màng.
***
Vợ ông Hải (ngụ phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TPHCM) mất lúc ông mới 53 tuổi, để lại cho ông bốn người con, trong đó hai con đã có gia đình. Một mình ông bươn chải lo cho hai con còn lại.
Cám cảnh cho ông, sau mãn tang bà Hải, nhiều người ngỏ ý mai mối người về phụ ông chuyện nhà cửa. Ông cũng đã nghĩ đến chuyện này, nhưng xem ra các con ông không ai chịu. Họ không muốn cảnh mẹ ghẻ - con chồng, con bà - con ông lộn xộn. Ai cũng khuyên can và hứa sẽ hiếu thuận, chăm lo cho ông những khi ông bệnh hoạn ốm đau. Thương con, ông cam chịu cảnh phòng không chiếc bóng hơn 20 năm nay. Giờ đây, khi ông bệnh, mặc dù con cháu tận tình, nhưng ai cũng có gia đình riêng, khó theo sát chăm lo cho ông. Không nói ra, nhưng các con ông đều có chung ý nghĩ: Phải chi ngày trước đồng ý để ông tái hôn.
***
Không phải ai cũng có thái độ cực đoan như con ông Thịnh, ông Hải. Có những người con rất hiếu thảo và thông cảm với sự cô đơn của cha mẹ, hết lòng ủng hộ việc cha, mẹ mình tìm bạn hoặc tái hôn.
Bà Hạnh (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) là giáo viên nghỉ hưu, 60 tuổi, góa chồng. Hơn 30 năm trước, bà từng có một mối tình sâu đậm với ông Khang. Họ yêu nhau thắm thiết nhưng do hoàn cảnh nên phải chia lìa, rồi ông đi lấy vợ, bà lấy chồng. Bây giờ gặp lại trong cảnh cùng phận góa, khi tóc đã bạc, tình cũ trỗi dậy. Họ muốn sống bên nhau những tháng ngày còn lại. Các con của ông cũng như các con bà mới đầu cũng ngỡ ngàng với quyết định của cha mẹ, nhưng sau khi được nghe phân giải, họ đều tán thành và ủng hộ việc này. Chính những người con đã đứng ra tổ chức một đám cưới trang trọng cho cha, mẹ mình.
***
Theo các chuyên gia tâm lý, những người cao tuổi sống cô đơn sẽ dễ có tâm lý buồn chán, chất lượng cuộc sống giảm. Nếu họ không tham gia một hoạt động xã hội nào đó thì gần như bị cô lập hoàn toàn, dễ tạo ra những nguy cơ trong cuộc sống. Người cao tuổi nếu sống có đôi có bạn thì rất có lợi cho sức khỏe tinh thần, họ sẽ vui vẻ, yêu đời. Trong hôn nhân của người cao tuổi, đời sống tinh thần là mục tiêu quan trọng nhất, những chuyện khác (quyền lợi, tài sản, tình dục...) đều là thứ yếu.
Những người con cần biết cách cư xử với cha mẹ để những người góa bụa không cảm thấy cô đơn, hụt hẫng, buồn tủi. Một khi cha mẹ đã cảm thấy đủ vui với con cháu thì họ cũng chẳng cần tìm bạn ở đâu xa. Trong trường hợp cha mẹ muốn đi thêm bước nữa thì con cái cần hiểu và thông cảm.