Để khán giả làm chủ không gian
Nhóm LKLK gồm 12 sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện, được tập hợp và đào tạo bởi thầy Vũ Phúc Ân. Định hướng của nhóm nhằm thực hiện các dự án sân khấu nghệ thuật, với màn chào sân là vở kịch truyền thanh Chí Phèo.
Chia sẻ về lý do chọn thể loại kịch truyền thanh, đại diện nhóm LKLK nói: “Theo tìm hiểu của nhóm, hiện nay các hình thức nghệ thuật, giải trí đa số thiên về hình ảnh, rất ít loại hình truyền đạt bằng âm thanh, và cách kể chuyện bằng âm thanh lại càng hiếm”. Bên cạnh đó, LKLK cũng là nhóm tiên phong mang nghệ thuật foley (tạo âm thanh thực tế) trình diễn trực tiếp trên sân khấu, kết hợp cùng các nhạc cụ truyền thống.

Khởi đầu tương đối an toàn với kiệt tác văn học Chí Phèo, nhóm LKLK hiểu được thách thức lớn nhất là làm sao để tư duy âm thanh tạo được không gian nghệ thuật như ngôn từ đã làm. Đó không đơn thuần là việc thể hiện lời thoại bằng nhiều sắc thái giọng nói, mà còn đòi hỏi sự cẩn thận trong từng từ ngữ, khoảng nghỉ giữa các câu và sự hòa hợp của âm thanh hiệu ứng.
Vì thế, để khán giả được tự do cảm nhận, chiêm nghiệm và đúc kết câu chuyện, nhóm LKLK không cố gắng định hướng hay gửi vào tác phẩm một thông điệp nào sâu xa, mới lạ. Thay vào đó là chọn một góc nhìn đặc biệt, một tiếng nói chung để đưa khán giả vào không gian câu chuyện.
Như với kịch truyền thanh Chí Phèo, việc xây dựng nhân vật dẫn chuyện là một người dân làng đã giúp khán giả có thể cảm nhận và thấu hiểu mọi điều diễn ra như thể Chí Phèo đang hiện diện trước mặt. Vở kịch cũng gây chú ý khi người thủ vai giọng nhân vật Chí Phèo là đạo diễn người Mỹ Aaron Toronto, người từng thành công với bộ phim Đêm tối rực rỡ. Để thể hiện chất giọng cho vai diễn này, Aaron đã học cách thể hiện giọng Bắc xưa và thậm chí còn thử tìm cảm giác “say bí tỉ” để hiểu được cảm xúc khi Chí Phèo nhận tô cháo hành từ Thị Nở.
Đại diện ban tổ chức cho biết, dù giai đoạn tuyển diễn viên đảm nhận vai chính gặp nhiều khó khăn vì không tìm được người phù hợp, đội ngũ sản xuất vẫn kiên trì và quyết tâm không thay đổi các tiêu chí để đảm bảo chất lượng tác phẩm.
Muốn đi xa, phải ở gần
Ngay khi tập hợp đội ngũ LKLK, đạo diễn Vũ Phúc Ân đã mời về nhiều người có kinh nghiệm trong các lĩnh vực viết kịch bản, thiết kế âm thanh, dàn dựng sân khấu..., để chia sẻ kiến thức cho các thành viên. Sau hơn 4 tháng học tập nghiêm túc, nhóm bắt tay vào xây dựng vở Chí Phèo.
Dù có sự hỗ trợ và hướng dẫn từ thầy, bản thân mỗi thành viên vẫn phải tự mày mò để thực hiện từng đạo cụ âm thanh hay từng dòng kịch bản. Cách làm việc chủ động tuy có nhiều khó khăn, thậm chí là mất nhiều thời gian, nhưng qua đó giúp các thành viên phát huy tối đa khả năng sáng tạo và ứng biến linh hoạt.
Như với việc tái hiện các âm thanh cuộc sống, do chưa có nhiều kinh nghiệm tạo tiếng động nên nhóm gặp rất nhiều khó khăn. Như việc tạo tiếng mưa, ban đầu nhóm dùng một chai nhựa cùng vài hòn sỏi, tuy nhiên phản hồi từ khán giả nghe thử nghiệm không tốt nên nhóm thay thành một ống nhựa trong suốt dài hơn 1m, bên trong là hàng trăm thanh tre nhỏ gắn nối tiếp nhau và xoắn như chuỗi ADN, sỏi cũng được thay bằng gạo, tiếng mưa lúc này trở nên dày dặn và đều hơn hẳn.
Các âm thanh khác như tiếng gà gáy, chim hót, tiếng sấm..., đều là kết quả của một quá trình dày công sáng tạo, thử nghiệm. Yêu cầu là không chỉ giống âm thanh thật ngoài đời mà còn phải khớp với lời thoại để tạo không gian chân thực nhất cho khán giả.
Sự phản hồi tích cực của khán giả sau khi vở kịch truyền thanh Chí Phèo công diễn chính thức đã khẳng định sự thành công của nhóm LKLK với loại hình mới này. Mạnh dạn tìm hướng đi riêng và trung thành với tôn chỉ ngay từ buổi đầu, nhóm sinh viên trẻ đã trưởng thành từ những lời góp ý, những lần thay đổi và quyết tâm xây dựng chỗ đứng trong lòng khán giả. Nói cách khác, để câu chuyện của mình được đón nhận, nhóm LKLK chọn kiên trì với những giá trị gần gũi và từng bước phát triển.
Trong thời gian tới, nhóm LKLK dự định trình diễn vở Chí Phèo tại nhiều trường học nhằm lan tỏa nghệ thuật khá mới mẻ này đến các học sinh, sinh viên, đồng thời nhóm cũng ấp ủ ý định ra mắt phiên bản audio để khán giả ở xa dễ dàng tiếp cận và thưởng thức.
Bên cạnh các bạn trẻ, vở kịch truyền thanh Chí Phèo còn có sự góp mặt của những nghệ sĩ tên tuổi như: NSƯT Phạm Huy Thục đảm nhận vai Bá Kiến, NSƯT Đinh Linh đảm nhận trình diễn các nhạc cụ dân tộc như sáo, tiêu, bộ gõ... tạo nên không gian âm thanh giàu cảm xúc.