Ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết với chủ đề bảo tồn và phát triển di sản văn hoá phi vật thể, lễ hội được chia làm hai phần. Phần lễ với những hoạt động truyền thống như tục rước nước từ sông Đà và làm lễ tế Thánh trong đêm 31-1 (tức ngày mùng 7 âm lịch), lễ thỉnh chuông, lễ dâng hương, rước kiệu... Phần hội gồm các tiết mục văn nghệ và 9 trò chơi dân gian. Số lượng trò chơi dân gian năm nay cũng nhiều hơn mọi năm, tạo không khí tưng bừng vui tươi cho lễ hội.
Trong hồ sơ tục thờ Tản Viên Sơn Thánh được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia có nói đến cần phục dựng lại các tục lệ, nét văn hoá truyền thống đã mai một hoặc gián đoạn. Lễ rước kiệu từ đền Lăng Sương về đền Hạ đã từng là một phần không thể thiếu trong lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, được các bậc tiền nhân thực hiện từ xa xưa. Trong quá trình nghiên cứu, triển khai kế hoạch phục dựng các giá trị, nghi thức truyền thống nhằm nâng tầm lễ hội, năm nay, ban tổ chức lễ hội Tản Viên Sơn Thánh quyết định phục dựng lại tục lệ cổ này. Theo truyền thống, lễ rước kiệu sẽ có quãng nghi thức rước bằng đường thủy qua sông Đà. Tuy nhiên do năm đầu phục dựng rước liên vùng nên sẽ rước bằng đường bộ để đảm bảo công tác an ninh, an toàn. Từ năm sau, ban tổ chức nghiên cứu để hoàn thiện nghi thức truyền thống này trở thành nghi lễ chính của lễ hội.
Năm nay, Ba Vì sẽ tổ chức 3 trong 1 các hoạt động gồm: Khai hội Tản Viên Sơn Thánh, khai trương du lịch Ba Vì, phát động Tết trồng cây năm 2020. Tín ngưỡng phụng thờ Tản Viên Sơn Thánh bao trùm một vùng không gian văn hóa rộng lớn khu vực Đồng bằng Bắc bộ, trong đó đậm đặc nhất là vùng Xứ Đoài (mà vùng lõi là huyện Ba Vì). Chỉ tính trên địa bàn huyện Ba Vì có 300 di tích, thì trong đó có trên 100 di tích thờ Đức Thánh Tản Viên với rất nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và cấp Thành phố. Với giá trị này năm 2018, Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.