Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết, dưới thời Nguyễn, lễ dựng nêu do vua trực tiếp đứng ra làm chủ lễ. Cây nêu được dựng lên trong hoàng cung báo hiệu cho dân chúng biết bắt đầu kỳ nghỉ tết âm lịch. Cây nêu được hạ xuống vào ngày mùng 6 tết âm lịch, cho biết kỳ nghỉ tết đã hết, mọi công việc sẽ trở lại bình thường vào ngày hôm sau.
Sau khi cây nêu trong hoàng cung được dựng lên, bên ngoài người dân mới được dựng nêu ăn tết. Cây nêu ở nhà dân cũng phải thấp hơn cây nêu được dựng trong Đại nội. Người xưa quan niệm rằng, sau khi ông Táo cưỡi cá chép lên Trời vào ngày 23 tháng Chạp, sẽ không còn vị thần nào bảo vệ cho ngôi nhà của mình trước các thế lực ma quỷ. Vậy nên, người xưa mới dựng cây nêu với đầy đủ lễ vật, lá bùa… để xua đuổi tà ma trong những ngày Tết Nguyên đán.
“Việc tái hiện lễ dựng nêu trong hoàng cung là một trong những hoạt động chào mừng năm mới và thu hút khách du lịch đến tham quan Đại nội trong dịp tết âm lịch này”, ông Nguyễn Phước Hải Trung cho biết.