1. Được lên ý tưởng và ấp ủ thực hiện từ cuối năm 2021, nhưng vì dịch bệnh nên đến đầu năm 2022, vở nhạc kịch Người cầm lái mới được Nhà hát Công an nhân dân triển khai.
Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát Công an nhân dân, cho biết, đây là vở nhạc kịch đầu tiên và cũng là dự án nghệ thuật đặc biệt được đầu tư cả về quy mô lẫn chất lượng nghệ thuật của nhà hát. Vở diễn quy tụ đội ngũ làm nghề hùng hậu gồm gần 200 nghệ sĩ, với rất nhiều tên tuổi trong các lĩnh vực sân khấu, âm nhạc, múa.
Tổng đạo diễn - nghệ sĩ Tuyết Minh chia sẻ, vở diễn được xây dựng với hình thức giao hưởng - đại hợp xướng của nghệ thuật hàn lâm nhằm tái hiện cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người.
Tác phẩm phát huy di sản truyền thống từ sân khấu kịch hát dân tộc, thể hiện sự trân trọng và tôn vinh bản sắc văn hóa Việt qua thanh âm của các nhạc cụ dân tộc, chất liệu ngôn ngữ múa dân gian đương đại. Ở đó, nghệ thuật opera, nhạc kịch kinh điển thế giới đã hòa quyện nhuần nhuyễn với thi pháp của sân khấu truyền thống Việt Nam.
Vở diễn là những lát cắt trong hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình tượng Bác Hồ được chuyển tải qua nhiều không gian, thời gian khác nhau, từ khi Người còn là cậu bé 5 tuổi ở Nam Đàn, Nghệ An, theo cha vào kinh thành Huế; những năm tháng đối diện với nỗi đau mất mẹ và em, rồi đến khi trở thành người thanh niên Nguyễn Tất Thành bôn ba ở hải ngoại tìm đường cứu nước, và khi trở về quê hương chèo lái con thuyền cách mạng.
2. Cũng trong những ngày đặc biệt này, hình tượng Bác Hồ được tái hiện trong nhiều tác phẩm sân khấu. Nhà hát Kịch Việt Nam mở đầu với chương trình nghệ thuật Tên Người sáng mãi với chùm 3 vở kịch ngắn Đoàn kết là sức mạnh, Đôi mắt sáng, Bác Hồ và mùa xuân năm ấy.
Trong hai ngày 19 và 20-5, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng có lịch công diễn vở Nước non vạn dặm (tác giả PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên). Vở diễn tập trung khai thác những năm tháng Người còn ấu thơ, cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước.
Cùng với đó, sân khấu tư nhân Lệ Ngọc cũng đã cho ra mắt vở kịch Lá đơn thứ 72 (tác giả Hoàng Thanh Du, đạo diễn - NSND Lê Tiến Thọ). Ê kíp thực hiện cho biết, Lá đơn thứ 72 không tập trung sâu về sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà khai thác hình tượng Người ở góc độ đời thường, phong cách làm việc, tình cảm, tấm lòng của Bác đối với nhân dân, đặc biệt là người lao động.