Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, hơn 22 giờ ngày 25-7, nhiều người dân vẫn tìm đến Hội trường Thống Nhất viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Do số lượng người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất vào chiều tối nay rất đông nên UBND TPHCM quyết định giờ viếng đến 23 giờ thay vì đến 22 giờ như thông báo trước, nhằm tạo mọi điều kiện để người dân được đến viếng thuận lợi nhất.
23 giờ ngày 25-7, Ban tổ chức không nhận đăng ký vào viếng và giờ viếng ngày mai 26-7, bắt đầu từ 7 giờ, kết thúc lúc 12 giờ 30.
Trong dòng người xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có nhiều em nhỏ, cụ ông, cụ bà, cựu chiến binh…
Anh Nguyễn Công Luận (sinh năm 1991, ngụ TP Thủ Đức) cùng gia đình 5 người đi từ TP Thủ Đức vào trung tâm TPHCM để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Khi biết tin TPHCM tổ chức Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, tôi cùng cha mẹ, vợ con đến đây với mong muốn tha thiết là được thắp nén nhang vĩnh biệt Tổng Bí thư. Cả gia đình tôi đều hết sức trân trọng, kính yêu Bác. Bác đã một đời vì đất nước, nhân dân”, anh Luận chia sẻ.
Cũng trong chiều 25-7, nhiều người dân từ các phương xa đã ra Thủ đô để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bắt xe taxi từ 4 giờ sáng ở Hưng Yên ra Hà Nội, đi cùng với hai người bạn, bà Tạ Thị Tý (74 tuổi) trải lòng: “Từ ngày nghe tin Bác từ trần, tôi tiếc thương vô cùng. Mỗi lần xem và nghe câu chuyện của Bác trên báo đài, nước mắt tôi cứ trào dâng, xúc động lắm. Tôi đã chờ ở đây từ sáng để được gặp Bác lần cuối”.
Là cựu chiến binh, sinh ra ở đất Bình - Trị - Thiên khói lửa, bà Thái Thị Thành nghẹn ngào nói: “Hôm nay, tôi vô cùng xúc động. Bác là người luôn nghĩ cho dân, cho nước. Một rừng cán bộ nhưng Bác đã đi sâu vào "cắt tỉa", để giữ lại những đội ngũ lãnh đạo có tâm và có tầm. Tôi rất khâm phục và biết ơn công lao to lớn ấy”.
Đứng xếp hàng vào Nhà tang lễ Quốc gia, bạn Nguyễn Phương Thảo (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã cố gắng hoàn thành sớm công việc để đến đây thắp nén hương tưởng nhớ Tổng Bí thư. Bác đã làm việc quên mình vì nước, vì dân. Tôi thật sự xúc động, kính trọng và biết ơn. Bác là tấm gương mẫu mực để người trẻ chúng tôi học tập và noi theo”.
Tại TPHCM, hơn 17 giờ ngày 25-7, dòng người vẫn xếp hàng đăng ký vào Hội trường Thống Nhất để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại đây, lực lượng chức năng hướng dẫn người dân cùng các đoàn đại biểu của các cơ quan, ban ngành trật tự trước khi kiểm tra an ninh.
Hòa vào dòng người đang chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chị Nguyễn Thị Thu Hương (sinh năm 1983, ngụ quận 3). Chị Hương cho biết, tranh thủ sau giờ làm, chị cùng bạn bè tới đây để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Tôi cũng như hàng triệu người dân Việt Nam, rất ngưỡng mộ, kính yêu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những điều to lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm cho đất nước, cho nhân dân Việt Nam khiến tôi cùng mọi người vô cùng biết ơn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng. Sự ra đi của Bác là một điều tiếc thương không chỉ riêng tôi, mà còn là của cả dân tộc”, chị Hương nghẹn ngào nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, toàn bộ các nút giao thông ở khu vực này đều có đông lực lượng CSGT, Công an, quân sự, dân quân… túc trực điều tiết giao thông.
Đến 22 giờ ngày 25-7, có 691 đoàn với 38.127 lượt người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM.