Tiếng hò sông Hậu là câu chuyện về cuộc đấu tranh chống áp bức của người nông dân Việt Nam khoảng năm 1941. Vở đã tái hiện một cách chân thực và sống động nhất về đời sống của những người nông dân trong giai đoạn này: cuộc sống cùng cực, tối tăm, công việc đồng áng vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Thế nhưng, dù làm việc quần quật, lam lũ cả năm, nhưng nhà nào cũng nghèo, đói ăn, thiếu cả manh áo lành lặn. Cuộc sống cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc ấy... đều do các quan sai, cường hào ác bá hoành hành, áp bức, người nông dân chịu cảnh “một cổ hai tròng” với biết bao đau thương, gian khó cùng cực.
Câu chuyện khởi phát từ sự việc mùa lúa vừa gặt xong, ông Hội đồng Dư (NS Điền Trung thủ vai) xuống tận nhà dân để vét hết lúa gạo, gây phẫn uất cho bao người. Bà Tư Hậu (NS Hà Như) không cam lòng, đã xảy ra xô xát với Hội đồng Dư. Uất hờn khi thấy mẹ bị đối xử tàn nhẫn, mệt mỏi khi phải chứng kiến xã hội nhiễu nhương, quan tham bóc lột nhân dân, trong lúc nóng giận, Chơn (NS Hoàng Hải) - con trai bà Tư Hậu, đã đâm Hội đồng Dư bị thương. Chơn bị lưu đày Côn Đảo suốt 4 năm.
Tại “địa ngục trần gian”, trong 4 năm dài, Chơn được các chiến sĩ cách mạng truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, rèn cách ẩn nhẫn chờ thời, chủ động xây dựng và tập trung nguồn nhân lực, đợi chờ cơ hội nổi dậy, phản công, lật đổ chính quyền phong kiến, quan quân tay sai thực dân, phát huy sức mạnh toàn dân đoàn kết đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Sau nhiều lần vượt ngục, Chơn cũng trốn thoát thành công, trở lại quê nhà, đợi thời cơ để cùng nhân dân vùng lên. Lúc này, cục diện xã hội thay đổi, phát xít Nhật lật đổ quân đội Pháp - chỗ dựa vững chắc của Hội đồng Dư sụp đổ, là thời cơ thích hợp nhất để những người nông dân miền Nam cùng quân đội cách mạng đứng lên giành lấy chính quyền.
Vở cải lương Tiếng hò sông Hậu ra mắt lần đầu vào những năm 1980, gây tiếng vang lớn cho đến nay. Ở phiên bản mới, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ bên cạnh việc chăm chút tỉ mỉ từng cảnh diễn còn đưa vào sử dụng những công nghệ mới về âm thanh, ánh sáng, màn hình led... Đặc biệt, vở diễn còn trình chiếu một số thước phim tư liệu lịch sử quý, hình ảnh và giọng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập… tạo nên nhiều cung bậc tình cảm, gây xúc động với người xem.
Tiếng hò sông Hậu là một trong những vở diễn chủ lực của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang trong năm 2025 nhằm chào mừng các ngày lễ lớn như 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công…