Nguyên tác vở cải lương dựa trên tích Trần Minh khố chuối trong truyện cổ dân gian Việt Nam. Đến thập niên 1960, soạn giả Thanh Cao dựa vào cốt truyện này đã soạn thành một vở tuồng hát trên sân khấu Tiếng Chuông. Hai soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng cũng dùng cốt truyện này soạn thành vở tuồng đề tựa Quán gấm đầu làng. Đến năm 1976, phiên bản nổi tiếng nhất là tác phẩm Bên cầu dệt lụa của soạn giả Thế Châu, do đoàn cải lương Thanh Minh tổ chức dàn dựng và biểu diễn.
Bản dựng kinh điển Bên cầu dệt lụa cách nay gần 50 năm hội tụ nhiều diễn viên tài danh từng đoạt giải Thanh Tâm. Dàn diễn viên tài năng tham gia vở diễn lúc bấy giờ có NS Thanh Nga, Thanh Sang, Hùng Minh, Bảo Quốc, Thanh Tú, Ngọc Nuôi, Kim Hương, Văn Ngà, Chí Hiếu… đã cùng tạo nên một tác phẩm sân khấu cải lương kinh điển, đi vào lòng người bao thế hệ.
Đến nay, nhắc đến vở cải lương Bên cầu dệt lụa, khán giả vẫn luôn nhớ mãi câu chuyện tình đậm chất cổ tích của tiểu thư Quỳnh Nga và chàng trai nghèo Trần Minh, tài năng của các diễn viên trẻ cùng nội dung câu chuyện đậm chất nhân sinh, nhân văn đã chinh phục người mộ điệu nhiều thế hệ, đề cao giá trị của lòng thủy chung và đức nhân nghĩa ở đời.
Trong bản dựng phiên bản 2023, đạo diễn Trần Ngọc Giàu đã cùng các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang nỗ lực dựng lại vở cải lương kinh điển của sân khấu truyền thống, nhằm góp phần quảng bá, lan tỏa giá trị của tác phẩm sân khấu kinh điển trong đời sống hiện đại, để tác phẩm sân khấu tiếp cận được gần hơn với khán giả hôm nay, nhất là với công chúng trẻ. Bản dựng mới có sự tham gia biểu diễn của NS Thy Phương, Kim Luận, Võ Thành Phê, Nguyễn Văn Khởi, Minh Hoàng, Phùng Ngọc Bảy, Hoài Nam, Thanh Đông, Hoàng Minh Vương, Tất Đạo, Mỹ Linh, Kim Thùy…