Thế nhưng có nơi tái định cư xong, người dân vẫn âm thầm quay về chỗ cũ; có nơi, người dân phải ngóng chờ chỗ ở mới nên cố bám trụ vùng sạt lở, bất chấp nguy hiểm.
Quay về chỗ cũ
Sau gần một năm có dịp trở lại cửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), chúng tôi thấy quang cảnh hai bên cửa biển vắng vẻ, hoang tàn hơn. Con lộ từ đồn biên phòng cũ ra tới đầu vàm đã bị sóng đánh hỏng, chỉ còn lại dấu tích.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà vừa mới “chạy” sạt lở, ông Trần Thanh Tấn (ấp Kênh Đào Tây, xã Đất Mũi) chia sẻ: “Mấy năm trước, nhà nước hỗ trợ cất nhà cho tôi theo Nghị định 167, ở chưa được bao lâu thì bị sóng biển đánh bung đất phía dưới. Nhiều cây cột chịu không nổi nên gãy. Thấy nguy hiểm quá và sợ không chống chọi qua mùa mưa bão này nên tôi dời nhà vô trong này”.
Ông Tấn cho biết ông đã về khu vực cửa biển Vàm Xoáy này ở trên 30 năm. Tính từ đó đến nay, ông đã chứng kiến sóng biển đã lấy đi hơn 150m đất chiều dài bờ biển. Mặc dù vậy, ông Tấn và các hộ dân ở đây vẫn bám trụ lại dù biết rất nguy hiểm. Nguyện vọng của người dân nơi đây cũng muốn vào ở các khu tái định cư cho an toàn. Nhưng khi vào thì lại “phát sinh” nỗi lo khác là việc làm.
Sau khi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng tại xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới, An Giang) vào cuối tháng 4 vừa qua, những hộ dân bị ảnh hưởng đã được di dời về sống tạm tại các trường học, điểm chùa… Cùng thời điểm này, tỉnh An Giang đã xây dựng khu tái định cư cho bà con. Tuy nhiên, hơn 2 tháng trôi qua, công trình này chưa thể triển khai do thiếu nguồn cát. Nhiều hộ dân bức xúc và không chịu nổi cảnh “ăn nhờ ở đậu” đã liều mình trở về sống trong vùng sạt lở.
Bà Nguyễn Thị Hết (người dân địa phương) cho biết: “Hôm xảy ra sạt lở, vợ chồng tui dọn về một ngôi chùa ở tạm. Dù biết nhà chùa tốt bụng, nhưng chẳng lẽ cứ ăn bám hoài, nên vợ chồng tui đã dọn đồ về ở lại trong nhà cũ được gần 10 ngày nay. Biết là nguy hiểm, nhưng hết cách rồi”.
Ông Hồ Đăng Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông, cho biết: “Khu tái định cư do UBND huyện làm chủ đầu tư, xã chỉ giám sát thi công. Hiện công trình chỉ mới làm bờ đê, tiến độ thi công bị chậm. Việc người dân dọn đồ về ở là do bà con tự dỡ hàng rào phân vùng sạt lở, sắp tới địa phương sẽ buộc di dời để đảm bảo an toàn.
Theo UBND huyện Chợ Mới, dự án xây dựng khu tái định cư Mỹ Hội Đông rộng 2,8ha với hơn 200 nền nhà, tổng kinh phí 33 tỷ đồng hiện đang chậm tiến độ do đơn vị thi công không có nguồn khai thác cát, trong khi đó lượng cát cần quá lớn, gần 200.000m³. Trước đó, để phục vụ công trình này có triển khai dự án nạo vét thông luồng ở Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới) nhưng đã bị người dân nơi đây phản ứng quyết liệt.
Tại Bạc Liêu, những hộ dân bị sạt lở ở bờ kè Nhà Mát (TP Bạc Liêu) vẫn “quyết tâm” bám trụ vì chưa có nơi ở mới. Bà Phan Thị Nhung, một hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố sạt lở tường kè Nhà Mát, cho biết, lý do chính gia đình bà và các hộ dân lân cận không di dời đi nơi khác mà vẫn ở lại chỗ cũ sinh sống là bởi thu nhập chủ yếu của gia đình là buôn bán, không có đất sản xuất, nếu di dời đến nơi khác thì gia đình bà không biết làm gì để mưu sinh.
“Khát” việc làm
Khu dân cư Lung Ranh (xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) được triển khai xây dựng từ năm 2011. Khu tái định cư này có quy mô trên 100 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Khmer và các hộ dân sinh sống trong các khu vực rừng phòng hộ ven biển Tây. Khi xây dựng, hạ tầng được đầu tư khá cơ bản: có trường tiểu học, tổ y tế, nhà lồng chợ, hệ thống chiếu sáng công cộng, có nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt của người dân. Theo quy định của dự án, mỗi hộ vào đây được cấp 300m² đất ở và hỗ trợ 20 triệu đồng cất nhà.
Tuy nhiên, khi vào ở được một thời gian thì nhiều hộ dân lại bỏ đi nơi khác. Ông Huỳnh Hoàng Tương, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, cho biết: “Ban đầu xét duyệt có hơn 90 hộ đủ điều kiện được vào ở. Nhưng thực tế số hộ vào cất nhà khoảng 80 hộ. Sau một thời gian vào ở, thì đến nay còn lại khoảng 40 hộ, số còn lại bỏ đi nơi khác: có hộ thì bỏ đi làm thuê ở Đồng Nai, Bình Dương… có hộ thì quay lại nơi ở cũ”. Theo ông Tương, nguyên nhân các hộ vào khu dân cư một thời gian rồi bỏ đi vì thiếu việc làm.
Anh Nguyễn Văn Bắc (gia đình bên cạnh khu tái định cư Hương Mai) cho biết: “Đa phần các hộ dân đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sống bám biển. Nhưng vào đây không có việc làm, bà con ở đây chưa được hỗ trợ chuyển đổi nghề nên cuộc sống gặp bấp bênh”.
Mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND về tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Thời gian qua tỉnh Cà Mau đã bố trí tái định cư cho 1.500 hộ dân ở những vùng có nguy cơ thiên tai cao vào các điểm khu dân cư sinh sống. Tuy nhiên, do tình hình sạt lở ven sông, cửa biển diễn biến phức tạp thì nhu cầu cần di dời dân trong thời gian tới lên đến 5.700 hộ nên cần số tiền rất lớn. Trong khi đó, nguồn vốn tỉnh còn hạn chế, không kham nổi nên tỉnh rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương.
“Khi xây dựng các khu tái định cư thì cũng phải tính đến định canh, định cư; đời sống của người dân vào ở như thế nào chứ không chỉ làm khu tái định cư rồi đưa dân vào ở là xong”, ông Hải nhấn mạnh.
Chiều 13-7, ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết, 2 căn nhà dân ở bờ sông Cái Côn, ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở, nâng số hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở lên 13 hộ.