Nghệ An và Thanh Hóa là 2 tỉnh rộng lớn, địa hình đồi núi phức tạp nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. Hiện nay, tỉnh Nghệ An có 33 điểm thường xuyên bị sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến 612 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu, tập trung ở các huyện rẻo cao Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông...
Còn Thanh Hóa hiện có hơn 8.500 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, tập trung ở các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh... Trước thực tế này, 2 tỉnh đã và đang triển khai xây dựng khu TĐC cho người dân, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu di dời.
Có thể thấy, lý do chính các địa phương chưa xây dựng được nhiều khu TĐC là do thiếu kinh phí. Dẫu rằng, với các địa phương ngân sách eo hẹp thì việc phải “cân đo đong đếm” là hết sức khó khăn, nhưng khi sinh mạng người dân đang bị đe dọa bởi hiểm họa thiên tai thì cần phải ưu tiên để di dân TĐC. Do vậy, bên cạnh chiến lược lâu dài, các địa phương cần cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện ngay các khu TĐC cho người dân ở những khu vực có nguy cơ cao.
Chẳng hạn, ngoài việc chi hơn 531 tỷ đồng lập đề án giai đoạn 2021-2025 để ổn định cho 2.790 hộ dân, tỉnh Thanh Hóa cũng vừa ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai để xây dựng 3 khu TĐC tại xã Tam Thanh (huyện Quan Sơn), xã Nam Động (huyện Quan Hóa) và xã Tam Chung (huyện Mường Lát).
Khó có thể quên được các trận lũ quét, sạt lở kinh hoàng, tang thương tại xã Nậm Giải (huyện Quế Phong, Nghệ An) năm 2007, xã Na Mèo (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) năm 2019, hay xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) năm 2020… cướp đi bao sinh mạng người dân. Và mới đây là hàng loạt vụ sạt lở ở Bình Định, Quảng Nam… vùi lấp nhiều bản làng.
Hiện nay, hàng ngàn người dân đang phải sống dưới chân các ngọn núi nứt, sạt lở triền miên. Xây các khu TĐC để giữ sinh mạng cho người dân, chứ không thể đợi khi bao sinh mạng bị vùi lấp rồi mới cập rập đề xuất xây. Người dân vùng sạt lở, lũ quét cần một quyết sách kịp thời từ chính quyền hơn bao giờ hết.