Khởi tố nhiều, vi phạm vẫn tăng
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2018 các lực lượng chức năng đã khởi tố 1.979 vụ buôn lậu, hàng giả, hàng nhái (tăng 21%), xử lý 2.340 đối tượng (tăng 10% so với năm trước). Thế nhưng, theo nhân định của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thì buôn lậu, gian lận thương mại vẫn tiếp tục “nóng” hơn nữa trong năm 2019. Có điều gây bức xúc trong dư luận là năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tết là buôn lậu lại bùng phát và đã qua nhiều năm nhưng vẫn chưa thấy rõ giải pháp căn cơ nào để buôn lậu hiệu quả nhất.
Chỉ tính riêng năm 2018, các lực lượng chức năng cả nước gồm công an, hải quan, thuế vụ, quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 203.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 20.100 tỷ đồng. Cụ thể, lực lượng công an phát hiện, xử lý gần 7.000 vụ việc, thu nộp ngân sách hơn 200 tỷ đồng, khởi tố hình sự 1.000 vụ với gần 1.300 đối tượng; lực lượng hải quan thông qua hoạt động chống buôn lậu, thanh tra, kiểm tra sau thông quan đã phát hiện, xử lý 24.200 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 2.800 tỷ đồng, khởi tố hình sự hơn 60 vụ; cơ quan thuế tổ chức thanh tra, kiểm tra 87.250 doanh nghiệp, truy thu về ngân sách nhà nước 16.500 tỷ đồng…
Mặc dù, theo báo cáo, các bộ ngành, lực lượng chức năng đã triệt phá được nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển hàng quốc cấm với số lượng lớn, xóa được nhiều điểm nóng về buôn lậu tại các tỉnh biên giới; thế nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao không có giải pháp hạn chế buôn lậu triệt để mà cứ càng triệt phá, nạn buôn lậu, gian lận thương mại càng phát triển như thế?
Rủi ro cao, nhưng “thoát được” cũng lớn
Câu trả lời vì sao buôn lậu ngày càng tăng đã được nhiều cơ quan chức năng nhận định, là do các quy định pháp luật chưa đủ sức răn đe, hoạt động buôn lậu ngày càng tinh vi… Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân vẫn ở khâu thực thi pháp luật. Việc buôn lậu qua đường chính ngạch không phải là nhỏ khi mà việc phân luồng xanh - đỏ - vàng ở cơ quan hải quan vẫn quá máy móc, lại không có cơ chế kiểm soát lẫn hậu kiểm. Lẽ ra, khi hàng hóa được thông quan tự động, không kiểm tra thủ công để giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp thì đòi hỏi nhà nước phải có cơ chế kiểm soát bằng máy soi tự động. Đằng này, doanh thu từ hoạt động xuất nhập khẩu không phải là nhỏ, nhưng lại không đầu tư máy móc soi hàng để chống buôn lậu và tạo công bằng trong thông quan, đã tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp bắt tay với cán bộ hải quan để buôn lậu trót lọt. Đặc biệt, trước thực tế ý thức tự giác cũng như ý thức chấp hành pháp luật hiện nay chưa cao thì việc kiểm tra chặt chẽ bằng máy soi tự động là cần thiết.
Các doanh nghiệp sản xuất trong nước bức xúc rằng, kiểm soát chặt hàng lậu không những tăng thu ngân sách, làm minh bạch thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, mà còn bảo vệ doanh nghiệp sản xuất chân chính, tuân thủ pháp luật. Vì hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất không thể sống được vì không cạnh tranh nổi với hàng lậu trốn thuế, giá rẻ. mặt hàng đường cát là một ví dụ, doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh lại với đường nhập lậu giá rẻ. Việc này còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đầu tư, sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến cả nông dân trồng mía. Chỉ một lĩnh vực thôi, đã cho thấy tác động rất lớn nếu để buôn lậu xảy ra.
Bên cạnh đó, hàng lậu qua đường tiểu ngạch cũng không phải nhỏ. Ngoài việc kiểm soát, chấn chỉnh cán bộ thực thi thì cũng cần giải quyết công ăn việc làm cho người dân vùng biên giới để hạn chế buôn lậu tự phát dịp tết. Nhiều bà con vùng biên giới, cứ gần tết là tham gia đội quân buôn lậu qua đường tiểu ngạch.
Và cuối cùng, ngoài chế tài thật nặng đối với hành vi buôn lậu cũng cần có chế tài, xử lý nặng cán bộ thực thi công vụ nếu để buôn lậu xảy ra. Nếu không, dù luật có bao trùm cỡ nào mà việc kiểm soát và xử lý vi phạm còn lỏng lẻo thì dân buôn lậu vẫn tin rằng có thể trót lọt và vẫn tham gia buôn lậu. Như vậy, chế tài có nặng, cũng không răn đe được họ.