“Bám trụ” nhiều ngả đường
Trưa 25-1, dưới cái nắng như đổ lửa, tại ngã tư Châu Văn Liêm và Trần Hưng Đạo (quận 5), 2 trẻ em (một gái, một trai) da đen nhẻm ngồi vật vạ trên vỉa hè xin tiền. Để lấy lòng thương của người đi đường, bé gái bồng trên tay một em bé (chừng 1 tuổi) đầu trần, ngủ gật gù.
Chứng kiến hình ảnh trên, không ít người đi đường xót xa, dừng xe dúi cho 5.000 đồng, 10.000 đồng, có trường hợp cho 50.000 đồng. Tuy nhiên, cũng có một số người cương quyết không cho tiền, vì cho rằng trẻ ăn xin dưới sự chăn dắt của người lớn, có cho tiền các em cũng không được nhận để sử dụng.
“Ban đầu, thấy các bé ngồi nằm lăn lóc ăn xin, mình thương tình cho tiền, có hôm còn mua bánh mì, cơm cho ăn, về sau khi biết có người chăn dắt, mình cương quyết không cho”, chị Phùng Nguyệt Hương, chủ cửa hàng vé số trên đường Châu Văn Liêm, chia sẻ.
Đáng thương nhất là cháu bé khoảng chừng 1 tuổi, thường xuyên bị người lớn và người chị bồng trên tay cho uống thuốc để ngủ li bì, không thức giấc quấy khóc, lại được người đi đường thương hại, cho tiền.
“Điều chúng tôi lấy làm khó hiểu nhất là rất nhiều lần phản ánh việc này nhưng địa phương lại không xử lý dứt điểm. Mỗi lần nhận được phản ánh, phường cho cảnh sát khu vực, trật tự ra đẩy đuổi, sang hôm sau lại tái diễn như cũ”, chị Hương bức xúc.
Trong khi đó, cầu Chữ Y (quận 5, quận 8), vào các buổi tối từ 20 giờ trở đi, rất đông người ngồi dọc trên cầu, khi ít là 4 - 5 người, lúc nhiều lên tới 10 - 14 người. Họ chia thành từng nhóm, hoặc người riêng lẻ nhận tiền, cơm, bánh mì của người đi đường dừng lại cho.
Một phụ nữ trẻ còn mang cả con khoảng 2 tuổi và xe đẩy, mắc mùng ngủ qua đêm trên cầu, phía quận 8. Một người đàn ông trung niên mắc võng “thường trú” hàng đêm trên cầu, phía quận 5. Quan sát, ghi nhận nhiều ngày trên các tuyến đường ở các quận 2, 5, 8, Tân Bình và huyện Bình Chánh, chúng tôi thấy đối tượng ăn xin giờ đây không chỉ có trẻ em, người lớn tuổi mà còn có cả những người “sức dài vai rộng”, những người đàn ông, phụ nữ ở tuổi trung niên.
Không chỉ ngồi, đứng trên vỉa hè, giả người tật nguyền để ăn xin, giờ đây người ăn xin còn vào trong bệnh viện, quán ăn, nhà dân, cửa hàng… để xin tiền. Thậm chí, có trường hợp khi xin không được cho tiền đã có hành vi trộm cắp.
Chị Trần Thị Hoa, nhà trên đường Tân Sơn (phường 15, quận Tân Bình), kể cách nay 1 tháng, một phụ nữ ẵm theo con nhỏ vào nhà chị xin tiền. “Thấy người này không bệnh tật, không chịu khó làm ăn nên tôi không cho.
Tưởng nói không là xong, tôi vừa quay lưng xuống bếp, ở trước nhà, người phụ nữ vào nhà trộm túi xách rồi chạy ra đường, có người đàn ông chờ sẵn chở đi. May mà trong túi xách không có tài sản gì đáng giá”, chị Hoa ngao ngán lắc đầu.
Trên tuyến đường Mai Chí Thọ (quận 2), các đối tượng ăn xin hoạt động bất chấp nguy hiểm. Cứ đèn đỏ sáng lên, bất kể chiều tối, tại 2 nút giao Nguyễn Cơ Thạch - Mai Chí Thọ và Mai Chí Thọ - đường dẫn cao tốc (Long Thành - Dầu Giây), phụ nữ, trẻ em ăn xin xông ra đường, chặn đầu xe, gõ cửa ô tô đang dừng để xin tiền. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ va quẹt do người ăn xin chặn đầu xe.
Tập trung người ăn xin 24/24 giờ, cả đêm giao thừa
Về các điểm xuất hiện đông người ăn xin, ông Võ Minh Hoàng, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB-XH TPHCM), cho hay sở và các quận, huyện làm liên tục công tác tập trung người ăn xin, sinh sống nơi công cộng.
Trong năm qua, thành phố đã tập trung khoảng 1.800 người vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều người lang thang ăn xin ở các quận, huyện. Trong số đó, có cả người tái lang thang ăn xin.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2019, Sở LĐTB-XH TPHCM yêu cầu các đơn vị rà soát địa bàn, tập trung người ăn xin, sinh sống nơi công cộng 24/24 giờ, ngay cả đêm giao thừa.
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn khẳng định, mục đích giải quyết dứt điểm tình trạng lang thang, ăn xin ở khu vực trung tâm thành phố, các khu vực tập trung đông người như các giao lộ lớn, khu vui chơi giải trí, đình, chùa, nhà thờ, bến phà, quán ăn…
Sở LĐTB-XH TPHCM yêu cầu phòng LĐTB-XH 24 quận, huyện tiếp tục vận động người dân TPHCM không cho tiền trực tiếp các đối tượng ăn xin trên đường phố, mà nên giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo, trẻ mồ côi, người cao tuổi không nơi nương tựa… thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức từ thiện ở thành phố.
Đặc biệt, phải chủ động rà soát các khu dân cư tập trung nhiều người tạm trú (nhất là các đối tượng cao tuổi, trẻ em không có người thân đi cùng) để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng chăn dắt hoặc lợi dụng các đối tượng yếu thế đi ăn xin để trục lợi. Khi phát hiện, cần báo công an địa phương xử lý.
Đường dây nóng tiếp nhận thông tin về người ăn xin, sinh sống nơi công cộng của Sở LĐTB-XH TPHCM: (028)38.292.491 (Phòng Bảo trợ xã hội, gọi giờ hành chính); 0918.115.151 (ông Võ Minh Hoàng, Phó Trưởng phòng, gọi 24/24 giờ) và (028)35.533.258 (Trung tâm Hỗ trợ xã hội, gọi 24/24 giờ) |