Tái diễn chợ tự phát, hàng rong

Thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, TPHCM đã yêu cầu các chợ tự phát, hàng rong dừng hoạt động. Hầu hết chợ đầu mối, chợ truyền thống tuân thủ ngừng hoạt động nhưng một số chợ tự phát lại lén lút buôn bán. Ghi nhận ngày 23-7 cho thấy, nhiều chợ tự phát còn xảy ra tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện giãn cách, không đảm bảo an toàn phòng dịch.
Túm tụm mua bán không đảm bảo an toàn phòng dịch tại chợ An Hội, phường 8, quận Gò Vấp  Ảnh: BÙI ANH TUẤN
Túm tụm mua bán không đảm bảo an toàn phòng dịch tại chợ An Hội, phường 8, quận Gò Vấp  Ảnh: BÙI ANH TUẤN

Mở hé cửa để buôn bán

Sáng 23-7, phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận thực tế tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM, xác nhận có tình trạng một số chợ tự phát vẫn lén lút tổ chức mua bán. 

Tại quận Gò Vấp, các chợ tự phát trên đường Thống Nhất, đường Phạm Văn Chiêu, đường Phạm Văn Bạch, hẻm 710 (đường Phan Văn Trị, phường 10) mặc dù bị cấm hoạt động nhưng cảnh buôn bán vẫn khá tấp nập. Các tiểu thương bày bán thực phẩm ngay trên vỉa hè hoặc trong nhà, người dân đến mua sắm vào sáng sớm khá đông. Thậm chí tại hẻm 710, đường Phan Văn Trị (phường 10) mặc dù chính quyền đã thông báo có ca mắc Covid-19 liên quan đến việc buôn bán tại khu vực này nhưng tiểu thương, người dân vẫn phớt lờ. Ông Lê Đình Tiền (ngụ gần khu chợ tự phát trên đường Phan Văn Trị) cho biết, ngày nào loa phát thanh của phường cũng thông báo đã có ca nhiễm Covid-19 ở khu vực này liên quan đến họp chợ tự phát nhưng nhiều người dân vẫn vô tư mua bán. “Tôi đã vận động, nhắc nhở nhiều tiểu thương thì họ cho biết có giấy phép kinh doanh nên vẫn được phép buôn bán”, ông Tiền lo lắng. 

Tương tự, ghi nhận tại chợ tự phát trên đường Chu Văn An, Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), một số tiểu thương vẫn lén lút mở bán thực phẩm tươi sống, rau củ quả trong nhà. Tại nhiều khu vực, chính quyền địa phương đã tổ chức rào chắn, giăng dây, cắm bảng thông báo hạn chế tập trung đông người, nhưng người dân vẫn vô tư họp chợ. Nhiều tiểu thương đối phó bằng cách mở hé cửa để buôn bán, khi thấy lực lượng chức năng tới thì đóng cửa lại. Thậm chí một số nơi, chợ tự phát dù có chốt bảo vệ tổ dân phố sát bên, nhưng người dân vẫn ngang nhiên mua bán. 

Ghi nhận tại chợ An Hội (phường 8, quận Gò Vấp), thời điểm sáng sớm cũng cho thấy tiểu thương vẫn buôn bán, người dân mua sắm khá đông đúc. Mặc dù trước cổng chợ có lực lượng tổ dân phố, bảo vệ chợ trực chốt chặn để đo thân nhiệt người vào, tuy nhiên phía bên trong các tiểu thương lại ngồi san sát nhau, người mua người bán túm tụm nói chuyện. Chị D.H.H (ngụ đường Quang Trung, quận Gò Vấp) cho biết: “Người dân lo lắng chống dịch, còn chợ An Hội vẫn hoạt động không đảm bảo an toàn, không tuân thủ giãn cách. Chỉ cần một người bị nhiễm thì rất dễ lây lan ra cộng đồng, rất nguy hiểm”. Trong khi đó, tại quận Bình Thạnh, chợ tự phát trên đường Hoàng Hoa Thám (phường 5) vẫn hoạt động công khai. Dù không đông như trước, nhưng xe hàng rong, sạp rau vẫn được người dân bày bán, tụ tập đông người. Đáng nói, vị trí này nằm trong chốt kiểm soát người qua lại khu vực nhưng không thấy bóng dáng lực lượng chức năng xử phạt hay đi tuần tra lưu động. 

Siết chặt để tránh lây lan dịch

Không chỉ chợ tự phát, tại nhiều khu dân cư hoặc hẻm nhỏ, những ngày qua cũng xuất hiện nhiều người bày bán thực phẩm, rau củ quả ngay tại nhà và luôn có người đến mua. Đáng nói là trong một số khu dân cư bị phong tỏa, yêu cầu hạn chế đi lại, tiếp xúc nhưng vẫn có tình trạng mua bán, tụ tập đông người. 

“Thời gian qua, việc dẹp chợ tự phát tiến hành kiểu bắt cóc bỏ dĩa, nơi nào lực lượng chức năng ra quân liên tục, thường xuyên thì người kinh doanh tự phát không xuất hiện. Nhưng khi lực lượng liên ngành rời khỏi thì tiểu thương lại họp chợ bình thường”, chị Võ Thị Huyền (cư dân sống gần chợ tự phát trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp) cho biết. Theo chị Huyền, khi thành phố cấm chợ tự phát, một số nơi đã thực hiện nghiêm túc, nhưng được vài ngày lại tiếp tục tổ chức buôn bán. Nhu cầu mua sắm của người dân trong mùa dịch tăng cao, chính quyền thành phố cần kiểm soát chặt, kiên quyết dẹp hẳn chợ tự phát hoặc nếu cho hoạt động phải đảm bảo khoảng cách an toàn, có thể áp dụng biện pháp tiểu thương chia ca nhau buôn bán và có sự giám sát thường xuyên. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý triệt để tình trạng buôn bán, tụ tập đông người tại các chợ tự phát, đồng thời thực hiện giãn cách tại một số chợ truyền thống đang hoạt động để đảm bảo an toàn.

Theo Sở Công thương TPHCM, tính đến nay đã có ít nhất 205/237 chợ tạm ngưng hoạt động, trong đó có 3 chợ đầu mối và 202 chợ truyền thống rải rác khắp các quận huyện, TP Thủ Đức. Một số chợ sau khi đóng để thực hiện công tác phòng chống dịch như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết… đã khôi phục hoạt động nhưng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân. Lợi dụng lúc các chợ truyền thống tạm ngưng, nhu cầu thiết yếu của người dân tăng cao, các chợ tự phát lén lút hoạt động, phớt lờ quy định, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Thời điểm này, các quận huyện cần tăng cường kiểm tra xử lý rốt ráo các chợ tự phát vi phạm quy định. Đồng thời cần tổ chức các điểm bán lưu động đảm bảo an toàn đáp ứng nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Tin cùng chuyên mục