Gần đây, các nhà hoạch định chính sách và cả cơ quan quản lý nhà nước đều lo ngại rằng hạt gạo Việt Nam đang thể hiện sự đuối sức trong cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Mặc dù từ năm 2006, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, xuất khẩu đã đón nhiều cơ hội mới, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản đã gấp 4 lần so với trước, đạt 32,1 tỷ USD vào năm 2016, thế nhưng đối với lúa gạo những năm gần đây tốc độ xuất khẩu chậm lại và khó khăn hơn.
Điều đó cho thấy, khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch và giám sát chất lượng nông sản - thực phẩm xuất khẩu rất quan trọng, cần phải được đầu tư đúng mức, cần có những chương trình quyết liệt hơn.
Rất mừng là gần đây, có nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam được các nước nhập khẩu đánh giá cao không chỉ vì độ thơm ngon mà còn từ quy trình sản xuất, thu hái, chế biến, bảo quản, đóng gói… tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn hiện đại, nghiêm ngặt, đảm bảo yêu cầu kiểm dịch và chất lượng.
Có thể kể tên một vài thương hiệu như cà phê Tây Nguyên, nhãn Ido, xoài Cát Chu, tiêu Phú Quốc, chuối Lào Cai, chôm chôm Java, chè Shan Tuyết, chè Ô Long, chè Tân Cương, vải thiều Lục Ngạn...
Đứng đầu là về rau củ quả, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016 đã đạt kỷ lục là 2,4 triệu USD và năm 2017 dự báo có thể đạt tới 3 tỷ USD.
Trái cây Việt Nam đang được nhiều nước hồ hởi đón nhận, nhưng để được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia… cho phép nhập thì các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng nhiều điều kiện, trong đó có quy trình trồng - thu hái và xử lý chiếu xạ.