Tuy nhiên, các lĩnh vực thuộc nhóm nội dung chất vấn này còn một số vấn đề bất cập. Vì vậy, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ĐB, có giải pháp hiệu quả để khắc phục. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản (BĐS), nhà ở và các quy định liên quan. Đặc biệt, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, có chất lượng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6; đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường BĐS theo hướng cân bằng, tăng tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế; khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cắt giảm các thủ tục hành chính để thúc đẩy phát triển, xây dựng các dự án nhà ở, BĐS, nhất là tại Hà Nội và TPHCM, tăng nguồn cung cho thị trường; có chính sách hiệu quả thu hút và tạo nguồn vốn trung, dài hạn, ổn định cho thị trường BĐS; kiểm soát chặt chẽ việc huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp…
Cùng với đó là sửa đổi, hoàn thiện chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua; sớm ban hành và thực hiện hiệu quả đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; có giải pháp để tích cực triển khai cho vay, hỗ trợ lãi suất đối với các dự án cải tạo nhà chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua; các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định.