Để thực hiện việc tái cơ cấu này, New Delhi đã triển khai 3 trụ cột. Trụ cột đầu tiên nhằm giảm sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp nước ngoài duy nhất, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng và gián đoạn nguồn cung. Sứ mệnh “Ấn Độ tự lực” đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu này.
Trụ cột thứ hai tập trung vào việc biến Ấn Độ thành một trung tâm hấp dẫn đối với chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này được thực hiện thông qua việc điều chỉnh chính sách công nghiệp, đưa ra các biện pháp như khuyến khích liên kết sản xuất và cải thiện môi trường kinh doanh tại quốc gia này. Cách tiếp cận này không chỉ thúc đẩy xuất khẩu của Ấn Độ và giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại mà còn thúc đẩy tạo việc làm ở trong nước.
Trụ cột thứ ba liên quan đến việc Ấn Độ tái tập trung vào hiệp định thương mại khu vực (RTA) với các nước phát triển, vốn tạo ra thương mại bằng cách xóa bỏ thuế quan và các rào cản thương mại khác. Điều này giúp nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho hàng hóa Ấn Độ và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty nước ngoài gia nhập và hoạt động tại thị trường Ấn Độ, tiến tới thúc đẩy dòng chảy thương mại và đầu tư.
Để củng cố đáng kể lĩnh vực sản xuất, Chính phủ Ấn Độ đã tích cực tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho các nhà sản xuất nước ngoài hoạt động ở nước này. Tuy nhiên, dù đạt được tiến bộ, giới quan sát cho rằng vẫn cần tiếp tục cải cách ở cấp bang, thực hiện các cải cách thị trường lao động, cải thiện thị trường đất đai và tăng cường các sáng kiến phát triển kỹ năng.
Các bước đi này rất quan trọng để đảm bảo rằng các chính sách mới hỗ trợ hiệu quả và duy trì sự phát triển và sức hấp dẫn của ngành sản xuất của Ấn Độ đối với các nhà đầu tư toàn cầu.