
Chia sẻ hội thảo, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, sau khi Luật sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng ban hành năm 2024, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã hoàn tất việc chuyển giao bắt buộc 4 Ngân hàng thương mại (NHTM) được kiểm soát đặc biệt.
Cụ thể, Ngân hàng Xây dựng được chuyển giao cho Vietcombank và đổi tên thành VCBNeo; Oceanbank được chuyển giao cho MBBank và đổi tên thành MBV; GPBank được giao cho VPBank; Đông Á Bank được chuyển giao cho HDBank và đổi tên thành Vikki Bank. Ngoài bốn ngân hàng này, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt.
“4 ngân hàng đã được chuyển giao đang hoạt động ra sao vẫn chưa có thông tin, chỉ biết các ngân hàng đổi tên, nhận diện thương hiệu mới, định hướng mới, phong cách phục vụ mới với kỹ thuật số, chủ yếu phục vụ khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Trước đó, vào năm 2011, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được thành lập trên cơ sở hợp nhất tự nguyện của 3 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank). 10 năm sau tái cơ cấu, tổng tài sản SCB đạt 673.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 20.000 tỷ đồng tính 30-9-2021, với 239 điểm giao dịch, SCB có mạng lưới phủ rộng 28 tỉnh - thành cùng đội ngũ nhân sự hơn 7.000 người.
“Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng hoàn toàn bất ngờ khi các cơ quan điều tra phát hiện SCB trở thành công cụ tài chính của bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trở thành vụ án lớn trong ngành tài chính Việt Nam”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Chính sách Công, Đại học Fulbright Việt Nam cũng chỉ ra rằng, nhìn vào lịch sử tái cơ cấu những NHTM yếu kém từ năm 2011 đến nay có các hình thức như sáp nhập, hợp nhất, tham gia của nhà đầu tư mới, chuyển giao bắt buộc. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu ngân hàng thời gian qua là các ngân hàng yếu kém sáp nhập, hợp nhất với nhau tạo ra một ngân hàng lớn hơn nhưng vẫn yếu kém.
Trong đó, nguyên nhân chính là do ngân hàng bị thao túng bởi một nhóm cổ đông nắm tỷ lệ sở hữu lớn để tạo sự kiểm soát chi phối thông qua cấu trúc sở hữu chéo. Cơ cấu sở hữu chéo giúp vô hiệu hóa các quy định về đảm bảo hoạt động an toàn. Ngân hàng cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và dự án trong “hệ sinh thái” không có hiệu quả và tín dụng trở thành nợ xấu.
Từ đó, ông Thành nhấn mạnh, để các NHTM yếu kém được tái cơ cấu hiệu quả phải đi cùng với thay đổi cấu trúc sở hữu theo hướng giảm sở hữu chéo. Cần một hệ thống thanh tra, giám sát mang tính hợp nhất cao hơn để phát hiện và ngăn chặn các hành vi không tuân thủ trên cả hoạt động ngân hàng và chứng khoán, tức là trên cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình cho rằng, nguyên nhân là sự thiếu nhất quán trong thiết kế chính sách, thiếu sự giám sát chặt chẽ từ các bên liên quan, dẫn đến việc tái cơ cấu không đạt hiệu quả như mong muốn.
Cụ thể, Luật Tín dụng sửa đổi cho phép ngân hàng nhận chuyển giao sở hữu 100% ngân hàng yếu kém mà không phải hợp nhất báo cáo tài chính. Đây là điều trái với nguyên tắc kế toán quốc tế vì ngân hàng mẹ hưởng lợi từ tài sản và nhân lực, nhưng lại không chịu trách nhiệm với lỗ lãi và rủi ro của ngân hàng con.
Bên cạnh đó, hiện vẫn thiếu cam kết tài chính thực chất từ ngân hàng mẹ. Vì khi sáp nhập và chuyển ngân hàng yếu kém âm vốn sở hữu sang ngân hàng chủ sở hữu, bắt buộc ngân hàng mẹ phải bơm vốn cho ngân hàng con ít nhất 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều này hiện nay không có, nên ngân hàng yếu kém khó có thể phục hồi thực chất mà chỉ là sự "chuyển chủ" nhưng không có thay đổi cốt lõi.
“Riêng đối với mô hình mới của các ngân hàng đã được tái cơ cấu, cần nghiên cứu bổ sung quy định về hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc với các ngân hàng nhận chuyển giao”, TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.