Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian dài, nền kinh tế nước ta tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên thô, lao động rẻ và đặc biệt chủ yếu vào tăng vốn đầu tư (thể hiện qua hệ số ICOR tăng cao, hệ số TFP thấp...). Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đã đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Chất lượng tăng trưởng và tăng trưởng xanh đã trở thành điều kiện tiên quyết của bài toán tăng trưởng GDP. Gợi ý một số chính sách, giải pháp để nền kinh tế Việt Nam đổi chiều tăng trưởng trong giai đoạn phát triển mới, TS Trần Du Lịch cho biết bài toán kinh tế Việt Nam phải giải được hiện nay là mục tiêu “kép” chất lượng và số lượng, cùng với ưu tiên thực hiện các chính sách nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, chất lượng tăng trưởng cũng cần đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong trung và dài hạn. Việc chuyển nền công nghiệp từ gia công sang sản xuất gắn với việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm cần được xem là quan điểm chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam. Đồng thời, chuyển dần từ tư duy “kinh tế tỉnh” sang phát triển các vùng kinh tế. Trước mắt cần nâng cao vai trò các vùng kinh tế trọng điểm; tiếp tục cải cách đồng bộ nền hành chính công, bao gồm thể chế hành chính, bộ máy tổ chức và con người. Đây cần được xem là “khâu đột phá của đột phá” để xử lý những điểm nghẽn và huy động nguồn lực cho phát triển.
Vận hành robot sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác tại một đơn vị Ảnh: CAO THĂNG
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để thực hiện được mô hình tăng trưởng xanh cần chú trọng một số giải pháp cơ bản như đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chuyển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu, cơ cấu lại ngành nghề, mặt hàng sản xuất theo hướng vừa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của đất nước vừa ứng dụng khoa học - công nghệ cao; tăng hàm lượng tri thức, khoa học - công nghệ trong sản phẩm hàng hóa, giảm bớt hàm lượng nguyên nhiên liệu sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên; lựa chọn ngành sản xuất, sản phẩm thân thiện với môi trường và thích ứng được với biến đổi khí hậu. Có biện pháp, cơ chế hữu hiệu để khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; có chế tài mạnh đối với những hành động phá hoại, khai thác bừa bãi rừng, tàn phá và sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; tạo lập thị trường cạnh tranh bình đẳng, sử dụng tốt các công cụ và chính sách kinh tế trong quản lý, làm cho tài nguyên thiên nhiên được bảo vệ, được tái tạo nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh cho cả hiện tại và tương lai.