Tái cơ cấu DNNN là cú hích để thị trường M&A Việt Nam đột phá

Một trong những lý do quan trọng khiến thị trường M&A Việt Nam có xu hướng tăng trưởng chậm lại chính do tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn, đặc biệt ở những DN lớn, còn chậm. 

 
Bộ Trưởng Bộ KH-ĐT phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017
Bộ Trưởng Bộ KH-ĐT phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017

Chiều 10-8 tại TPHCM đã diễn ra Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 9 năm 2017 với chủ đề “Tìm bước đột phá” do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức.

Tham dự diễn đàn có đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư và khoảng 400 lãnh đạo DN, nhà quản lý, chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo nhận định của các chuyên gia tại diễn đàn, trong bối cảnh hoạt động M&A đang gặp không ít khó khăn và thách thức đan xen. Nếu không có gì đột phá, giá trị M&A trong năm 2017 sẽ không dễ vượt qua con số 5 tỷ USD. Điều này đòi hỏi một cú hích lớn từ các DN và Chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động M&A phát triển mạnh mẽ hơn cả về số lượng giá trị và chất lượng các thương vụ.

Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình tái cơ cấu DN nhà nước cũng chính là cú hích quan trọng để thị trường M&A Việt Nam có được bước đột phá trong thời gian tới.

Nhận định của Nhóm nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam cho rằng, một trong những lý do quan trọng khiến thị trường M&A Việt Nam có xu hướng tăng trưởng chậm chính từ tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn, đặc biệt ở những DN lớn, còn chậm. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài dường như lại đang nhắm đến việc mua cổ phần trong hàng loạt doanh nghiệp lớn ở Việt Nam, từ Vinamilk, Sabeco, Habeco đến MobiFone… Và để thị trường M&A Việt Nam có thể đạt giá trị như mục tiêu, nhiều chuyên gia cho rằng, điều kiện cần thiết là phải khởi động các thương vụ lớn trong năm nay, giá trị thị trường M&A Việt Nam sẽ đạt cao hơn kỳ vọng nhiều.

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, trong quá trình đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, Chính phủ rất quan tâm tới việc thu hút các dòng đầu tư thông qua hình thức M&A, đặc biệt là kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào tiến trình cổ phần hóa DN nhà nước, thoái vốn nhà nước ra khỏi các ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa DN nhà nước và DN tư nhân, giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa qua, tại hai cuộc gặp gỡ với cộng đồng DN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa DN nhà nước lớn trong các lĩnh vực như vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, DN quốc tế trở thành đối tác chiến lược của các DN Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển”.

Từ đó, Bộ trưởng cho rằng, hoạt động M&A không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và của DN, mà còn là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Làm gì và làm thế nào để thúc đẩy hoạt động này phát triển mạnh mẽ, đúng định hướng, mang lại lợi ích cho nền kinh tế… là câu hỏi lớn đang cần lời giải.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng tin rằng với chủ đề “tìm bước đột phá” của Diễn đàn M&A 2017 sẽ góp phần tìm ra lời giải cho câu hỏi này thông qua sự đóng góp ý kiến, lòng nhiệt tâm của các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo DN… để qua đó đề xuất các cơ chế chính sách vì một mục tiêu chung là tạo bước đột phá cả về số lượng và chất lượng cho thị trường M&A. 

Tin cùng chuyên mục