Tài chính xanh: Xu thế tất yếu toàn cầu

Tại Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” do Báo SGGP tổ chức ngày 6-9, các nhà quản lý, chuyên gia nhận định, Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu với cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế về nền kinh tế “zero” khí thải nhà kính vào năm 2050. Do đó, phát triển tài chính xanh ở Việt Nam là hướng đi đúng đắn.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại hội thảo
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại hội thảo

Giải bài toán vốn

Chia sẻ tại hội thảo, TS Trần Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển kinh tế số, cho biết, trước những diễn biến cực đoan của biến đổi khí hậu, vấn nạn ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính, các thị trường tài chính trên thế giới đã nhanh chóng nắm bắt xu thế phát triển xanh, sạch và đưa ra nhiều công cụ tài chính tương ứng. Thông tin từ Climate Bonds Initiative (CBI), đến năm 2023, khoảng 2.334 tỷ USD trái phiếu xanh đã được phát hành, bằng 5% giá trị thị trường nợ toàn cầu và dự kiến tới năm 2025 là 5.000 tỷ USD. Tại Việt Nam, Chiến lược tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 tập trung vào 3 nhiệm vụ: giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Riêng đối với TPHCM, vận dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, có thể phát hành trái phiếu xanh để đầu tư một phần hay toàn bộ cho các dự án năng lượng tái tạo, như điện gió ngoài khơi khu vực biển Cần Giờ; dự án chiếu sáng công cộng bằng năng lượng tái tạo; các dự án đốt rác phát điện; các dự án nạo vét, hồi sinh kênh, rạch, bờ kè; các dự án chống ngập; các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu…

Nguồn: Nhóm nghiên cứu của Đại học Bristol (Anh) và Đại học Kinh tế TPHCM

Nguồn: Nhóm nghiên cứu của Đại học Bristol (Anh) và Đại học Kinh tế TPHCM

Bên cạnh thị trường vốn từ trái phiếu xanh, TS Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Anh) khẳng định, tín dụng xanh là xu hướng chung, tất yếu của thế giới. Trong đó, tín dụng xanh cung cấp nguồn vốn với lãi suất ưu đãi cho các dự án tạo ra tác động tốt đến môi trường. Tín dụng xanh khi được sử dụng hiệu quả có thể điều vốn đến các dự án đóng góp trực tiếp vào các cam kết giảm phát thải của ngành nói chung và của TPHCM nói riêng. Nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Đại học Bristol (Anh) cũng cho biết, trong xu hướng chuyển đổi xanh, số lượng và chất lượng các dự án xanh trong những năm tới sẽ tăng lên đáng kể, đòi hỏi thị trường vốn xanh cần được phát triển với quy mô tương ứng. Để điều hướng dòng vốn đến các dự án giảm phát thải, việc tăng tiếp cận đến các cơ hội từ trái phiếu xanh, cho vay xanh và thị trường carbon trong nước và quốc tế rất quan trọng.

Trái phiếu xanh đi đôi với thị trường tín chỉ carbon

Nhiều ý kiến nhận định, sự kết nối hỗ trợ giữa tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bền vững hơn theo xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà đến cuối năm 2022, các tổ chức tín dụng cho vay dự án xanh trong các ngành dệt may, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo và vệ sinh môi trường mới chỉ đạt gần 500.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ kinh tế. Trong khi đó, thị trường giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam mới chỉ trong quá trình xây dựng, chưa có hệ thống pháp lý cần thiết.

Theo các chuyên gia, nếu cấu trúc thị trường tín chỉ carbon không sớm được hình thành, thì không chỉ hạn chế cơ hội tài chính xanh, mà còn có thể làm chậm hành trình Net Zero. “TPHCM cần có một sàn giao dịch tín chỉ carbon khi doanh nghiệp thiếu có thể mua, doanh nghiệp thừa có thể bán. Nghĩa là bản thân thị trường trái phiếu xanh phải đi chung với thị trường tín chỉ carbon, song song hỗ trợ lẫn nhau”, TS Hồ Quốc Tuấn đề xuất.

Theo ThS Nguyễn Thị Thu Hà (Đại học Kinh tế TPHCM), với vai trò trung tâm tài chính, TPHCM cần xây dựng các ưu đãi chính sách làm giảm rào cản gia nhập cho tín dụng xanh, thông qua các trợ cấp theo hướng đền bù rủi ro và bảo đảm tài trợ, cũng như hỗ trợ chi phí giao dịch liên quan đến phát hành trái phiếu xanh cho các tổ chức phát hành. Đặc biệt, TPHCM cần tận dụng các ưu đãi từ Nghị quyết 98/2023/QH15 để dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy giải pháp cải thiện cấu trúc của thị trường và kết nối thị trường trái phiếu xanh và thị trường carbon tự nguyện trong nước với khu vực. “Thành phố nên coi đây là một nhiệm vụ quan trọng cho một trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới là xanh hóa và số hóa”, ThS Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Đánh giá về thị trường tài chính xanh tại Việt Nam, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho biết, nhiều năm trước, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, đến nay, các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn hạn chế, trái phiếu xanh tại Việt Nam hiện chưa có nhiều. Thực trạng này cho thấy vấn đề tài chính xanh, trái phiếu xanh vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam. Để trái phiếu xanh phổ biến tại Việt Nam, các nhà phát hành phải quan tâm đến 4 vấn đề: sử dụng vốn thế nào, cho công trình, dự án gì; dự án đó phải được thẩm định chặt chẽ; các nhà phát hành phải cho nhà đầu tư biết việc quản lý dòng vốn để có nguồn trả nợ cho trái phiếu như thế nào; báo cáo từ nhà phát hành, công ty kiểm toán, cơ quan chức năng thật minh bạch.

TS Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ TN-MT cần đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về trái phiếu xanh để các doanh nghiệp áp dụng. “Nếu chuyển động chậm thì 3-5 năm tới, trái phiếu xanh có lẽ cũng chỉ là “nói cho vui” chứ khó triển khai trên thực tế. Bởi lẽ, hiện thị trường trái phiếu thông thường tại Việt Nam cũng đang gặp khó khăn chứ đừng nói là thị trường trái phiếu xanh”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

TS TRƯƠNG VĂN PHƯỚC, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia:

Cần một định chế tài chính quốc gia thúc đẩy tín dụng xanh

Chúng ta mong muốn tăng trưởng kinh tế từ 7,5%-8% mỗi năm để trở thành nước công nghiệp hóa nhưng lại phải hạn chế khí thải nhà kính. Có thể nói, đây là bài toán hết sức nan giải. Về khuôn khổ các quy phạm pháp luật, Chính phủ đã có Nghị định 06/2022 quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Tuy nhiên, vấn đề là các bộ ngành đã thực thi như thế nào. Tài chính xanh và thị trường carbon chỉ là công cụ quá độ trong lộ trình Việt Nam cam kết đến năm 2050 tiến đến Net Zero chứ không phải là mục tiêu. Hiện chúng ta cần quan tâm đến các vấn đề cụ thể, chẳng hạn như đối với những doanh nghiệp xuất khẩu, các thị trường đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện các vấn đề về môi trường để từ đó có thể giúp các doanh nghiệp một cách thiết thực nhất. Để thực hiện việc này, các bộ ngành phải phác thảo vấn đề này thật sớm, còn liên quan đến tín dụng xanh hãy để cho thị trường quyết định. Nhà nước phải đứng ra để hỗ trợ thúc đẩy tín dụng xanh chứ không thể phụ thuộc hoàn toàn vào các ngân hàng thương mại. Mặc dù hiện các ngân hàng thương mại vẫn cho vay tín dụng xanh, nhưng để tạo “cú hích” cần phải có một định chế tài chính quốc gia đứng ra đảm nhiệm.


Ông PHẠM TRUNG KIÊN, Phó trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Nam:

Xác định mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, từ năm 2016, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng và không hạn chế nguồn vốn phục vụ sản xuất “nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng. Tính đến 31-12-2022, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh của Agribank đạt gần 12.000 tỷ đồng tập trung vào các lĩnh vực lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh.

Agribank luôn đặt trọng tâm ưu tiên cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và tiếp tục duy trì dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn từ 65%-75%; nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tín dụng xanh, khuyến khích cho vay các dự án có phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường. Riêng với địa bàn TPHCM, Agribank đã chuẩn bị mọi nguồn lực để thực hiện các chỉ đạo chung của thành phố, của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM trong các chính sách phát triển tín dụng xanh đối với TPHCM để thực hiện thành công Nghị quyết 98/2023/QH15.


Ông NGUYỄN ĐĂNG THANH, Phó Tổng Giám đốc HDBank:

Từ năm 2018, HDBank đã triển khai các giải pháp gia tăng nguồn lực thúc đẩy phát triển tài chính xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam. HDBank đặt trọng tâm định hướng phát triển này trong quá trình hoạt động, bám sát mục tiêu và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. HDBank là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc ban hành chính sách về cấp tín dụng xanh, bảo vệ môi trường và xã hội; đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho cán bộ, nhân viên về thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình cấp tín dụng, cũng như tăng cường hoạt động tư vấn và đồng hành cùng khách hàng trong “hành trình xanh” này. Trong năm 2022, HDBank cũng đã ban hành chính sách cấp tín dụng xanh với 11.000 tỷ đồng. HDBank đang tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện bộ chính sách tài chính xanh cho doanh nghiệp và cá nhân, bao gồm gói cho vay xanh và các dịch vụ liên quan.


Bà ĐỖ NGỌC DIỆP, Quản lý Dự án công trình xanh và biến đổi khí hậu của Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC (Ngân hàng Thế giới):

Các cơ hội tài chính xanh quốc tế đang tiếp cận thị trường Việt Nam. Chẳng hạn như Chương trình tăng cường thị trường xây dựng xanh (MAGC) do Chính phủ Anh hợp tác với IFC triển khai, sẽ cung cấp tài chính ưu đãi qua các ngân hàng trung gian để thúc đẩy hoạt động xây dựng xanh tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, các khoản tín dụng xanh được cung cấp cho nhiều đối tượng vay, với phí vốn thấp hoặc điều khoản trả nợ có lợi. Hầu hết doanh nghiệp đều có thể tiếp cận các tín dụng xanh bằng cách tách chi tiêu cải thiện xanh khỏi chi tiêu chung, chia thành từng khoản cho việc lắp đặt thiết bị sưởi hoặc làm mát tiết kiệm năng lượng hơn.

Hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản đang có xu hướng ràng buộc các khoản vay theo các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các khoản vay ưu đãi tích cực này sẽ buộc các doanh nghiệp phải vượt qua được các mốc hướng tới mục tiêu môi trường đã thỏa thuận trước. Mới đây, IFC đã cho một tập đoàn bất động sản ở Việt Nam vay 44 triệu USD để thúc đẩy công trình xanh. Chứng chỉ công trình xanh do IFC phát hành có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều nguồn vốn vay xanh khác, không chỉ là IFC. Ngoài cho vay trực tiếp, IFC còn phát hành trái phiếu liên kết bền vững.

Tin cùng chuyên mục