Tăng trưởng tín dụng xanh khiêm tốn
Dù chưa quy định về hệ thống tiêu chí, song những năm qua nền kinh tế đã chứng kiến dòng tài chính xanh len lỏi vào các ngành sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế IFC ra mắt Sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững; Sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính…
Cũng với sự tư vấn, hỗ trợ của IFC và các định chế tài chính phát triển của nước ngoài, các ngân hàng đã huy động được nguồn vốn đáng kể cho vay các dự án xanh. Năm nay, lần đầu tiên HD Bank sẽ phát hành 100 triệu USD trái phiếu xanh trong các lĩnh vực năng lượng mặt trời, nông nghiệp, điện rác. Trong khi đó, BIDV có dư nợ tín dụng xanh nằm trong top dẫn đầu thị trường.
Tính đến 31-3-2024, dư nợ tín dụng xanh của BIDV đạt gần 74.000 tỷ đồng, chiếm gần 4,2% tổng dư nợ của BIDV và chiếm 12% tổng dư nợ tín dụng xanh toàn nền kinh tế. Không chỉ đẩy mạnh tín dụng xanh, BIDV cũng là ngân hàng đầu tiên phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh theo Nguyên tắc Trái phiếu Xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (International Capital Market Association - ICMA) tại thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, BIDV còn hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn thông qua dịch vụ tư vấn, thu xếp vốn cho doanh nghiệp để phát hành trái phiếu xanh.
Song song với quá trình kể trên là sự nỗ lực chuyển đổi của doanh nghiệp. Hiện nay doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu quan tâm hơn đến báo cáo phát triển bền vững (ESG), dù số liệu cho thấy vẫn còn rất khiêm tốn. Theo công ty tư vấn, kiểm toán KPMG Việt Nam, hiện chỉ 28% doanh nghiệp có chỉ số đo lường rủi ro ESG rõ ràng để theo dõi tiến trình thực hiện.
Trong bản kiến nghị gửi đến bộ, ban, ngành trung ương, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất một số giải pháp phát triển tín dụng xanh hướng tới nền kinh tế xanh bền vững. Trong đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị các bộ, ngành sớm ban hành danh mục kèm bộ tiêu chí xanh. Cùng đó, cần ưu đãi đối với dự án xanh như tăng hạn mức tín dụng, tái cấp vốn hoặc không tính nguồn vốn cung ứng cho dự án xanh vào tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn...
Khẩn trương xây dựng danh mục phân loại xanh
Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhìn nhận, kết quả tín dụng xanh vẫn còn hạn chế bởi các giải pháp của ngành ngân hàng còn gặp khó khăn. Cụ thể, Việt Nam chưa có quy định chung về danh mục phân loại xanh phù hợp với loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế để các tổ chức tín dụng (TCTD) thẩm định cho vay, hay ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý tài trợ cho các dự án thuộc danh mục phân loại xanh.
Bên cạnh đó, nhu cầu vốn thực hiện phát triển kinh tế xanh rất lớn trong khi các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ thị trường tài chính, thị trường tín chỉ carbon còn chưa phát triển hoặc chưa triển khai.
Nhằm từng bước luật hóa vấn đề này, NHNN vừa ban hành Quyết định 1663/2024 sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 1604/2018 của NHNN về phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Theo đó, NHNN sẽ xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ các tổ chức tín dụng để khuyến khích phát triển ngân hàng xanh.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, một trong những điểm sửa đổi rất đáng chú ý là những yêu cầu đặt ra với các cơ quan quản lý.
Cụ thể, trên cơ sở quy định của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng, NHNN xây dựng, ban hành hướng dẫn về tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động tín dụng, tạo cơ sở để các TCTD triển khai hiệu quả; ban hành hướng dẫn xây dựng báo cáo về tín dụng xanh sau khi các báo cáo có liên quan của Chính phủ, các bộ ngành được ban hành. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng các tài liệu tham khảo cho các tổ chức về tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng tiệm cận dần với các tiêu chuẩn quốc tế.
“Để mở rộng tín dụng xanh cho vay các dự án lớn, đặc biệt là các dự án liên quan đến môi trường hoặc các dự án liên quan đến nhiều ngành nghề đòi hỏi yêu cầu rất khắt khe về thông số kỹ thuật mới đánh giá đầy đủ rủi ro về môi trường…, còn phải chờ các bộ - ngành liên quan ban hành các tiêu chí về môi trường, tiêu chí xanh mới có cơ sở và đủ tự tin thẩm định cho vay”, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.
Liên quan đến tiêu chí xanh, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về tín dụng xanh, trái phiếu xanh và được cụ thể hóa tại Nghị định số 08/2022 của Chính phủ, quy định chi tiết về lộ trình, cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh.
Chính phủ đã giao Bộ TN-MT xây dựng và trình Thủ tướng ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Tuy nhiên hiện nay Bộ TN-MT vẫn đang xây dựng dự thảo phân loại xanh, quy định chi tiết tiêu chí môi trường đối với các dự án đầu tư được xem xét cấp tín dụng xanh và các dự án đầu tư được xem xét phát hành trái phiếu xanh.
TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98:
TPHCM vẫn phải chờ hướng dẫn
Vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15, TPHCM đã ban hành Nghị quyết 09 hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM. Đây là bước hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh với tiêu chí cụ thể. Nhưng việc này là chưa đủ, cần đặt ra khung pháp lý, tiêu chí để thúc đẩy tín dụng xanh trên phương diện quốc gia.
Mặt khác, TPHCM được Nghị quyết 98 cho thí điểm thị trường tín chỉ carbon với sự hướng dẫn của các bộ nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn nào.