Tuy nhiên, đến hết năm 2017, tỷ lệ áp dụng các công nghệ xử lý tái chế rác thải làm phân compost chỉ đạt 14,7%; đốt 9,3%; chôn lấp hợp vệ sinh 76%. Như vậy, tỷ lệ chôn lấp hợp vệ sinh trong năm 2017 vẫn còn cao so với chỉ tiêu đề đặt ra.
Hiện nay, thành phố chỉ có 3 công trình, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt như Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty cổ phần Vietstar tiếp nhận 1.400 - 1.600 tấn/ngày; xử lý làm phân compost và tái chế khoảng 700 - 800 tấn/ngày, còn lại trả về bãi để chôn lấp hợp vệ sinh; Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa tiếp nhận 1.200 - 1.300 tấn/ngày; chủ yếu xử lý làm phân compost và đốt; bãi chôn lấp của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam có công suất tiếp nhận trên 5.000 tấn/ngày, xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Để đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải ngày một tăng cao, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương cho Công ty Trisun Green Energy Corporation làm chủ đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công nghệ khí hóa plasma kết hợp phát điện, công suất 1.000 tấn/ngày. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng tiêu chí xét chọn các dự án đầu tư trình UBND TP ban hành để làm cơ sở triển khai, xét chọn các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra trong năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng sẽ tổ chức các hội nghị chuyên đề, kêu gọi đầu tư dự án xử lý rác bằng công nghệ đốt - phát điện đến năm 2025, theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND TPHCM.