Tuy nhiên, theo tờ Jakarta Post, tiềm năng mở rộng việc lưu trữ carbon có thể đối mặt với những thách thức như khan hiếm các địa điểm lưu trữ, chi phí vận chuyển và bảo trì dài hạn cao. Để giảm thiểu những thách thức này, Indonesia đang nghiên cứu phát triển phương pháp CO2-to-X, chuyển đổi CO2 thu được thành vật liệu có giá trị như vật liệu công nghiệp, vật liệu xây dựng, hóa chất và nhiên liệu cùng nhiều khả năng khác.
Công nghệ CO2-to-X cũng có thể sử dụng CO2 tái chế để thay thế nguyên liệu chứa nhiều carbon hơn, giúp giảm lượng khí thải. Phương pháp này cũng đóng vai trò như một giải pháp tiết kiệm chi phí hơn so với phương pháp thu gom và lưu trữ carbon thông thường, do khả năng lưu trữ địa chất hạn chế và đặc biệt đối với các quy trình tạo ra dòng CO2 với nồng độ CO2 thấp hơn.
Với những bước đi ban đầu trong việc khởi xướng quan hệ đối tác quốc tế và phát triển khung pháp lý cho các dự án thu gom carbon, Indonesia đang ở vị trí thuận lợi để thực hiện quá trình chuyển đổi từ thu giữ CO2 sang tái sử dụng. Thị trường tái sử dụng CO2 hiện nay tuy nhỏ nhưng đang phát triển nhanh chóng.
Các doanh nghiệp trong ngành ngày càng tìm cách tận dụng lượng CO2 thu được cho nhiều loại sản phẩm, kể cả sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu đặc biệt hoặc sử dụng trực tiếp trong công nghiệp như làm hàng hóa, hóa chất như polyme, nhựa và phân bón; nhiên liệu tổng hợp; và các sản phẩm y tế hoặc thực phẩm dựa trên sinh học khác.
Một ứng dụng đầy hứa hẹn của CO2 tái sử dụng là sản xuất bê tông thành phẩm, theo đó bơm CO2 thay vì nước hoặc hơi nước vào bê tông tươi. Việc bổ sung CO2 sẽ làm giảm lượng xi măng (cần nhiều carbon để sản xuất) trong hỗn hợp bê tông, do đó làm giảm độ carbon tổng thể của bê tông.
Còn một quy trình khác bao gồm phản ứng CO2 với nguyên liệu thải để sản xuất cốt liệu xây dựng. Cốt liệu gốc CO2 mang lại độ bền tương đương cốt liệu truyền thống và hiệu suất của chúng trong các ứng dụng xây dựng tương tự các sản phẩm thông thường. Ngoài ra, phương pháp này còn cung cấp giải pháp quản lý chất thải hiệu quả bằng cách sử dụng chất thải công nghiệp làm nguyên liệu thô, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô truyền thống và thúc đẩy cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn.
Dù biện pháp tái sử dụng CO2 được cho là có tiềm năng nhưng cam kết tài chính chung đối với công nghệ CO2-to-X vẫn còn khiêm tốn so với các khoản đầu tư công nghệ sạch gần đây vào xe điện và pin. Để các sáng kiến CO2-to-X đóng góp đáng kể vào quá trình khử carbon, Indonesia dự kiến tăng cường hợp tác và tham gia quốc tế từ khu vực tư nhân, tương tự những gì đã thúc đẩy mở rộng quy mô năng lượng tái tạo.
Việc sử dụng CO2 nên được coi là một biện pháp bổ sung, thay vì thay thế cho việc lưu trữ CO2 hoặc giảm trực tiếp lượng khí thải carbon của doanh nghiệp. Mặc dù các sáng kiến CO2-to-X có thể không mang lại mức giảm phát thải ở mức độ tương đương trong thời gian tới, nhưng vẫn có thể góp phần giúp Indonesia đạt được các mục tiêu khí hậu nếu được thực hiện như một phần của chiến lược khử cacbon toàn diện.