Trả lời phóng viên Báo SGGP về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT), cho biết, kinh phí đầu tư cho dự án đổi mới giáo dục phổ thông là 80 triệu USD (khoảng 1.800 tỷ đồng).
Trong đó, 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ WB và 3 triệu USD vốn đối ứng. Dự án được phê duyệt năm 2015, có hiệu lực từ năm 2016 và kết thúc vào năm 2020. Trong số này, khoảng 16 triệu USD dành để biên soạn bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện, dù Nghị quyết 88/2014/QH13 nói rõ chủ trương thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK.
Trong quá trình triển khai, dù Bộ GD-ĐT đã thông báo để tuyển các chủ biên, tác giả, biên tập viên nhằm thực hiện biên soạn một bộ SGK nhưng không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia. Trong khi đó, các nhà xuất bản đã chuẩn bị, hình thành được một số bộ SGK lớp 1 và các lớp sau. Do đó, Bộ GD-ĐT đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ không sử dụng ngân sách nhà nước biên soạn một bộ SGK, tức Bộ GD-ĐT không biên soạn bộ sách nữa.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, 16 triệu USD ban đầu được thiết kế dành cho việc tổ chức biên soạn một bộ SGK của Bộ GD-ĐT, đồng thời để biên soạn SGK song ngữ tiếng dân tộc thiểu số; dịch một số SGK sang chữ nổi Braille phục vụ cho học sinh khiếm thị... Khi không sử dụng ngân sách nhà nước để biên soạn một bộ SGK của bộ thì tiết kiệm phần lớn trong khoản này.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, để đổi mới chương trình phổ thông, ngoài kinh phí dành cho biên soạn SGK còn một loạt công việc khác liên quan như biên soạn tài liệu; tập huấn gần 1 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; hỗ trợ các vùng khó khăn. Hiện trong thiết kế của dự án đã có kinh phí nhưng không đủ.
Do vậy, Bộ GD-ĐT cần đàm phán để tăng cường thêm kinh phí sử dụng, nhất là hỗ trợ cho các vùng khó khăn. Với sự bàn bạc, thống nhất của WB, Bộ GD-ĐT đang “tái cấu trúc” kinh phí 16 triệu USD này. Bởi nếu trả lại số tiền này thì tới đây vẫn phải dùng ngân sách để chi cho một loạt hoạt động nói trên...
“Trước đây, việc mua sách cho vùng khó khăn được chi với khoản 4,5 triệu USD. Số tiền này chỉ mua sách lớp 1 đã chiếm phần lớn và chỉ còn lại một phần nhỏ để mua sách lớp 2. Nhưng nếu thiết kế lại khoản vay 16 triệu USD, dự án có thể đề nghị trang bị thêm SGK cho thư viện vùng khó khăn từ lớp 1, 2 và lớp 6”, ông Nguyễn Xuân Thành nói và cho biết, tất cả kinh phí của dự án đều phải được sự chấp thuận và giám sát bởi WB, quy chế của Bộ Tài chính và hệ thống thanh tra, kiểm toán.