Tai biến y khoa, Bộ trưởng chỉ đạo thế nào?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tháng 8 năm nay Bộ sẽ ban hành Thông tư về việc các cơ sở y tế phải công nhận kết quả của nhau và thống nhất quy trình khám chữa bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: VGP
Chiều 14-6, tiếp tục trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, liên quan đến tình trạng lạm dụng xét nghiệm mà ĐBQH phản ánh, tháng 8 năm nay Bộ sẽ ban hành Thông tư về việc các cơ sở y tế phải công nhận kết quả của nhau và thống nhất quy trình khám chữa bệnh.

Tai biến y khoa, Bộ trưởng chỉ đạo thế nào?

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nêu thực tế: Vừa qua xuất hiện tình trạng tai biến y khoa liên quan đến vận hành các thiết bị y tế. “Hiện vẫn còn thiếu những quy định về bảo hành, bảo trì thiết bị. Trách nhiệm của các công ty cung cấp trang thiết bị y tế như thế nào?"

Cùng mối quan tâm, ĐB Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) đề nghị Bộ thống nhất, ban hành phác đồ điều trị chuẩn để giảm thiểu tai biến và sự cố y khoa. ĐB muốn làm rõ những giải pháp chỉ đạo của Bộ trưởng trong thời gian tới.

Nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác, ĐB Đặng Xuân Phương (Đắc Lắc) hỏi: “Tới đây, Bộ có cơ chế gì để người dân tham gia giám sát phòng ngừa rủi ro và giám sát quá trình khắc phục tai biến y khoa tại các bệnh viện”?

Chỉ còn rất ít thời gian để giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ đã có đề án thành lập Hội đồng An toàn bệnh nhân tại Cục Khám chữa bệnh và cũng đã ban hành 5.000 quy trình khám chữa bệnh, quy trình về trang thiết bị y tế cũng đã được ban hành chặt chẽ. 

“Nhưng vấn đề là phải thực hiện nghiêm quy trình đó. Thực ra thì tai biến y khoa luôn có, khó có thể dừng được, chỉ có thể khống chế, ngay cả các nước phát triển cũng xảy ra. Sắp tới, Bộ sẽ nghiên cứu, tiếp tục ban hành những thông tư, chỉ thị, xử lý nghiêm sai phạm”.

Hỗn loạn thuốc đông y

ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) phản ánh có sự “hỗn loạn trên thị trường thuốc đông y cả về giá cả lẫn chất lượng”. Theo ĐB, có tới 80% thuộc đông y hiện nay được nhập khẩu từ Trung Quốc, không kiểm định được chính xác chất lượng. Theo một số ĐBQH, cũng có tình trạng tương tự với thực phẩm chức năng.Bộ trưởng Thị Kim Tiến thừa nhận trước đây đúng là có sự lơi lỏng trong kiểm tra chất lượng thuốc đông y, nhưng hiện Bộ đã có quy định, theo đó tất cả thuốc đông y phải được kiểm nghiệm chất lượng nghiêm ngặt trước khi được phép sử dụng trong khoa khám chữa bệnh y học cổ truyền của các bệnh viện. 
“Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với Ban 389 để xử lý buôn lậu thuốc đông y qua biên giới; tổ chức tập huấn cho cán bộ; tăng cường thanh tra, xử phạt các trường hợp vi phạm”, người đứng đầu ngành y tế cam kết.

Nhiều vướng mắc giữa 3 bên: ngành y tế -  bảo hiểm xã hội – người dân

Đưa ra nhận xét dường như hoạt động khám chữa bệnh BHYT đang hướng đến giá rẻ để giảm chi, đi ngược với chủ trương nâng cao chất lượng BHYT, thậm chí làm gia tăng nguy cơ tai biến y khoa, ĐB Nguyễn Phi Thường muốn biết về chủ trương, giải pháp quản lý của ngành y tế.  Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng “ở đây có sự co kéo quyền lợi 3 góc, giữa BHYT – bác sĩ - bệnh nhân. Trong khi BHYT muốn giảm thiểu chi trả, tránh vỡ quỹ, bác sĩ thì muốn chữa tốt nhất với phác đồ tiên tiến nhất, bệnh nhân muốn được chăm sóc tốt nhất nhưng không muốn trả thêm tiền”. Khi nào tạo được tam giác đều thì ổn, không thì có chuyện. Trước đó Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thị Minh cho biết, năm 2017, hụt quỹ bảo hiểm y tế 7.000 tỷ đồng. Giải trình thêm về quản lý quỹ bảo hiểm y tế và việc trục lợi bảo hiểm, bà Nguyễn Thị Minh – Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải trình, do đối tượng phục vụ quá lớn, lên đến 150 triệu lượt người, rải rác ở 14.000 cơ sở khám chữa bệnh, nên tình trạng trục lợi diễn ra tương đối phổ biến. Kể từ khi áp dụng việc nâng giá dịch vụ y tế, thay đổi cơ chế, không cấp phát trực tiếp cho bệnh viện, không chia chỉ tiêu bảo hiểm y tế cho các bệnh viện nữa, các bệnh viện phải tự chủ, phải phấn đấu làm tốt để có bệnh nhân, nên nhiều bệnh viện không đảm bảo chất lượng lâm vào tình trạng rất khó khăn. Để đối phó với tình trạng này, nhiều bệnh viện “đành” kéo dài ngày nằm viện của bệnh nhân. Theo bà Nguyễn Thị Minh, khi Chính phủ yêu cầu trang bị hệ thống giám định thông tin bảo hiểm y tế, các biểu hiện trục lợi đã thể hiện rất rõ trên hệ thống này.
“Có những thủ thuật, quy trình chung chỉ cần 2 ngày, có bệnh viện lên tới 7,1 - 7,5 ngày. Giường bệnh ở tuyến huyện thường là không sử dụng hết 100% công suất, nhưng hiện có những tỉnh báo lên thanh toán với bảo hiểm y tế 200%–300% công suất. Rất không bình thường” – bà Minh nêu ví dụ.
Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội: "Tổng quỹ bảo hiểm y tế năm 2017 là 73.000 tỷ đồng, nhưng theo số chi quý I báo cáo lên, năm nay nhu cầu chi sẽ khoảng 80.000 tỷ đồng, hụt 7.000 tỷ đồng. Chúng tôi đã tính toán, các yếu tố khách quan như tăng giá dịch vụ, trượt giá... tăng khoảng 30%, còn khoảng 10% là yếu tố “không bình thường” - cũng tương đương khoảng 7.000 tỷ. Nếu làm tốt việc ngăn chặn trục lợi bảo hiểm thì quỹ  bảo hiểm y tế sẽ cân đối, không bội chi".
Bà Minh nêu rõ, hiện bảo hiểm xã hội đã phân bổ hơn 67.000 tỷ đồng, còn hơn 6.000 tỷ dự phòng sẽ phân bổ cho tỉnh nào bội chi do khách quan. Nếu không có giải pháp tích cực, quỹ bảo hiểm y tế năm nay sẽ âm 7.000 tỷ.
Chưa bằng lòng, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) tranh luận: “Mục tiêu của chúng ta là phục vụ người dân tốt nhất, dân mới là người chủ thực sự của số tiền mà BHYT đang quản lý thay. Tiêu cực thì xảy ra ở bất cứ đâu, bảo hiểm và y tế chưa liên thông trách nhiệm, không nên chỉ đổ lỗi cho ngành y tế và người dân tiêu cực". 
Theo ĐB Phong Lan, vấn đề sâu xa gây nên nguy cơ vỡ quỹ là thu ít, muốn chi nhiều, không tiêu cực thì đến một lúc nào đó cũng sẽ  vỡ quỹ.  "Cho nên phải có nhiều cách: đa dạng hóa nguồn đóng góp, tăng cường kiểm soát chứ không phải nhăm nhăm siết chi. Mà BHXH thường can thiệp bằng những cách không minh bạch như gọi điện thoại, gửi email... tiềm ẩn nguy cơ xin – cho tiêu cực không kém", bà Phóng lan bình luận. ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng ở đây có trách nhiệm của cả BHXH và y tế; hai ngành cần ngồi lại với nhau để ban hành bộ công cụ chuẩn quốc gia, không phải xin – cho. 
ĐB Cầu thẳng thắn đề nghị: “Kiểm toán nói thiết bị y tế giá chênh lệch 400-700%, Bộ trưởng không chấp nhận kết quả kiểm toán thì cho tôi xin 1 bản giải trình cụ thể”.
*Trước đó, từ sau 10 giờ sáng ngày 14-6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu khi trục lợi bảo hiểm y tế tràn lan?

ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn tình trạng bán thuốc không cần kê đơn của bác sĩ, lạm dụng kháng sinh... khiến nhiều bệnh nhân chịu hậu quả nặng nề, hệ quả kháng thuốc rất lớn.

Về thực trạng người dân đến hiệu thuốc mua thuốc mà không cần có toa, Bộ trưởng thừa nhận đây là yếu kém và sắp tới phải thay đổi. Bộ Y tế đã trình Chính phủ chiến lược về việc lạm dụng kháng sinh, trong nhiệm kỳ này sẽ cố gắng chấm dứt.

Quầy thuốc bán lẻ thì tuân theo quy luật thị trường, anh bán rẻ thì nhiều người mua, vì vậy chắc chắn giá bán lẻ ở quầy thuốc sẽ chênh lệch rất nhiều, còn giá biệt dược cao vì nó là độc quyền. 

Về quản lý giá thuốc, Bộ trưởng cho biết, quầy thuốc bán lẻ thì tuân theo quy luật thị trường, anh bán rẻ thì nhiều người mua, vì vậy chắc chắn giá bán lẻ ở quầy thuốc sẽ chênh lệch rất nhiều, còn giá biệt dược cao vì nó là độc quyền. Hiện nay còn 700 biệt dược, có bản quyền và giá rất cao. Bộ Y tế sẽ cố gắng đưa các biệt dược đã gần hết bản quyền vào đấu thầu để giá thấp hơn dù công ty dược, bác sĩ không đồng tình. Cùng với đó là đấu thầu tập trung để giảm giá biệt dược, phấn đấu giảm 10% như yêu cầu của Chính phủ.

Về chuyện lạm dụng xét nghiệm, Bộ trưởng cho biết là đã có thông tư ban hành để hạn chế, và tiếp tục đổi mới hình thức chi trả để ngăn ngừa.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) và một số ĐB tiếp tục chất vấn về tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế, khiến cho ý nghĩa cao đẹp của bảo hiểm y tế trở lên méo mó. Bệnh viện thì cố tình lạm dụng các kỹ thuật y tế để trục lợi bảo hiểm y tế. Trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu?

 Bệnh viện thì cố tình lạm dụng các kỹ thuật y tế để trục lợi bảo hiểm y tế. Trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng cho biết ngành vừa tổ chức đoàn đi kiểm tra, giám sát thì thấy có tình trạng lạm dụng từ 2 phía cơ quan y tế và người dân. Lý do là giá dịch vụ tăng, quyền lợi được hưởng của người đóng bảo hiểm y tế đã rộng hơn và với chủ trương thông tuyến thì nhiều người đã lạm dụng. Có những người khám đến 20-30 lần trong thời gian ngắn. Sáng đi khám, chiều lại đi tiếp từ bệnh viện này sang bệnh viện khác… Về phía các cơ sở y tế, cơ chế tự chủ bên cạnh mặt tích cực cũng có hạn chế là lạm dụng kỹ thuật xét nghiệm, dịch vụ y tế, kéo dài thời gian nằm viện hoặc chưa thật cần thiết nhưng vẫn yêu cầu nằm viện…, để tăng nguồn thu.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ làm quy trình quản lý khám chữa bệnh chặt chẽ hơn, kèm theo giám sát, cùng với Bảo hiểm xã hội có định mức trần chi, đổi mới mô hình tự chủ của cơ sở y tế; các cơ sở y tế công nhận kết quả xét nghiệm của nhau.

Tai biến y khoa, Bộ trưởng chỉ đạo thế nào? ảnh 1 Có những người khám đến 20-30 lần trong thời gian ngắn. Sáng đi khám, chiều lại đi tiếp từ bệnh viện này sang bệnh viện khác… (ảnh minh họa)
 ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) tranh luận cho rằng Bộ trưởng nêu tình trạng trang thiết bị y tế đắp chiếu, chóng hỏng nhưng chưa rõ nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục. Nếu không có hướng xử lý thì rất lãng phí, và đó là cái tội.

Bộ trưởng: Giá thuốc Việt Nam không cao hơn thế giới

ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng giá thuốc Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực, giá thuốc ở địa phương này cao hơn địa phương khác. Tới đây giá viện phí tăng do tính đúng tính đủ, vậy cơ chế nào hỗ trợ người bệnh nghèo?

Theo Bộ trưởng, từ khi thực hiện đấu thầu thuốc thì giá thuốc của Việt Nam ổn định, không tăng cao. Theo đánh giá các tổ chức y tế quốc tế thì giá biệt dược gốc ở Việt Nam thấp hơn các nước ASEAN 10%. Trong rổ hàng hóa, thì giá thuốc đứng thứ 9. Vì vậy, nếu nói giá thuốc cao hơn thì phải có số liệu và những đánh giá độc lập của các tổ chức quốc tế.

ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) chất vấn 2 vấn đề:Thứ nhất là tình trạng người bệnh không được điều trị ngay. Phần do quá tải, phần do tiêu cực ở bệnh viện, y bác sĩ thì có thái độ không đúng với bệnh nhân. Giải pháp nào để cải thiện tình trạng này? Thứ hai là, kết quả kiểm toán phát hiện nhiều thiết bị y tế chưa sử dụng đã hỏng, mua về đắp chiếu, đặc biệt cùng loại vật tư nhưng giá chênh lệch nhiều lần. Vậy giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?

 Bộ trưởng cho biết, ngân sách không đủ, nhiều bệnh viện mua máy chưa hết khấu hao đã hỏng vì công suất bệnh viện quá lớn, đó là thực trạng. Hoặc máy trong thời kỳ bảo hành bảo trì cũng đã có vấn đề. Việt Nam là nơi có công suất sử dụng máy vào loại lớn. Thiết bị y tế ở Việt Nam xuống cấp nhanh là do cường độ sử dụng quá cao.
 Khi tính đúng tính đủ giá viện phí thì chắc chắn sẽ cải thiện y đức, thậm chí có cả bệnh viện y bác sĩ cúi chào bệnh nhân, thông điệp niềm vui hạnh phúc của y bác sĩ là được phục vụ bệnh nhân. 

Về vấn đề chênh lệch giá vật tư y tế, “kiểm toán có quyền kết luận, nhưng các cơ sở y tế không đồng thuận”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Vì các trang thiết vị, vật tư tất khác nhau về cách đóng gói. Ví dụ về kim cánh bướm (một loại thiết bị y tế), ở bệnh viện Việt Đức là 6.000-7.000 đồng nhưng ở bệnh viện Chợ Rẫy giá gấp 10 lần vì có thêm nhiều chức năng khác. Tương tự, các loại khác cũng thế, tên giống nhau nhưng chức năng khác nhau, hiệu quả sử dụng khác nhau thì giá sẽ khác nhau.

Bộ trưởng cũng cho biết, giá viện phí, lộ trình đã chậm hơn so với kế hoạch, vì lẽ ra trong năm 2017 phải hoàn thành việc tính đúng tính đủ giá viện phí, nhưng để chống lạm phát nên chưa thực hiện được. Khi tính đúng tính đủ giá viện phí thì chắc chắn sẽ cải thiện y đức, thậm chí có cả bệnh viện y bác sĩ cúi chào bệnh nhân, thông điệp niềm vui hạnh phúc của y bác sĩ là được phục vụ bệnh nhân. Cùng với đó, bệnh nhân cũng sẽ có lợi hơn vì nhiều loại dịch vụ y tế được bảo hiểm thanh toán. Lương của y bác sĩ được cải thiện cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Tai biến y khoa, Bộ trưởng chỉ đạo thế nào? ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: VGP

Hơn 7.000 y bác sĩ đã bị kỷ luật vì thiếu y đức


ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế. ĐB cho rằng, tình trạng lạm dụng kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị có biểu hiện gia tăng. Bộ có biện pháp nào để chấm dứt tình trạng này? ĐB cũng cho rằng, cử tri rất bức xúc về tình trạng không công nhận, không thừa nhận kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế gây lãng phí nguồn lực của nhân dân và xã hội.

ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cũng cho rằng khi tăng viện phí thì y đức được tăng ra sao?

ĐB Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội chất vấn năng lực của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đó là một trong nguyên nhân khiến bệnh viện tuyến trên luôn quá tải. Y đức đã được cải thiện, nhưng còn quá nhiều vấn đề. Việc kê thuốc ngoài danh mục, giá cao hơn cũng là y đức. Giải pháp nào của bộ Y tế để đột phá vấn đề này?

Trả lời nhóm vấn đề về khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc người dân muốn tiếp cận dịch vụ y tế cao và đến thẳng tuyến Trung ương là nguyện vọng chính đáng. Hiện đã có quy định cho thông tuyến và đến năm 2021 sẽ “thông toàn quốc”. Chủ trương là bệnh đơn giản thì khám ở cơ sở ban đầu, còn bệnh nặng thì chuyển tuyến trên. Đã có bệnh nhân đề nghị được nhận thuốc chữa các bệnh mãn tính ở ngay cơ sở tuyến đầu.

 Hơn 7.000 cán bộ trong ngành đã bị kỷ luật, kể cả đuổi khỏi ngành. 

Về y đức, Bộ trưởng cho rằng, "con sâu làm rầu nồi canh", đâu đó vẫn còn hiện tượng y bác sĩ có thái độ không tốt. Ngành y tế đã đẩy mạnh việc giáo dục đội ngũ, sử dụng đường dây nóng để người bệnh phản ảnh trực tiếp, từ phản ảnh của người bệnh qua đường dây nóng. Hơn 7.000 cán bộ trong ngành đã bị kỷ luật, kể cả đuổi khỏi ngành. Cùng với đó là giải pháp tăng thu nhập cho cán bộ y tế. Vì thế, vừa qua, chỉ số Papi (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công) của ngành y tế cũng đã được cải thiện.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, lực lượng đội ngũ y tế cơ sở còn nhiều bất cập, vừa thiếu vừa yếu và ngành đang phải nỗ lực để cải thiện.

* Dự kiến, nội dung chất vấn gồm thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh; vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn…

Báo cáo của Bộ Y tế trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV cho biết, hiện tượng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên đã giảm đáng kể. Cụ thể, với khu vực ngoại trú, nhờ cải cách thủ tục hành chính trong việc tổ chức khám, chữa bệnh, quy trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4 – 8 bước tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình được 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh.

Ở khu vực nội trú, năm 2012, tình trạng nằm ghép ở tuyến Trung ương là 58%, tuyến tỉnh là 47%; sang năm 2016, tỷ lệ bệnh viện có tình trạng nằm ghép từ 3 người trở lên trên 1 giường bệnh chỉ chiếm 4,4% (tuyến tỉnh), 7,3% (tuyến huyện) và 1,5% (BV tư nhân và y tế các Bộ/ngành).

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng thừa nhận, hiện tượng quá tải bệnh viện vẫn còn xảy ra ở một số chuyên khoa Ung bướu, Tim mạch, Nhi khoa, Chấn thương,… Trong một số cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối vẫn còn hiện tượng quá tải, như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Nhi Đồng của TP Hồ Chí Minh.

Bộ Y tế cũng thừa nhận, vẫn còn có  nhân viên y tế  chưa thực sự tận tình và trách nhiệm đối với người bệnh. Tai biến y khoa xảy ra rải rác tại các bệnh viện cả tuyến dưới và tuyến trên. Tại một số bệnh viện, còn tình trạng lạm dụng kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị. Tình trạng không công nhận, không thừa nhận kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế gây lãng phí nguồn lực của nhân dân và xã hội. Thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn còn phiền hà…

Tin cùng chuyên mục