Vĩnh Long là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra nhiều người con ưu tú của dân tộc như Võ Văn Kiệt, Phan Văn Đáng, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Cung… và không thể không nhắc đến Phạm Hùng.
Đồng chí Phạm Hùng (1912-1988) xuất thân trong một gia đình nông dân ở làng Long Hồ, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).
Từ nhỏ, đồng chí đã được cha mẹ chú trọng việc học hành. Và ngay từ nhỏ, chứng kiến sự áp bức bóc lột, đàn áp dã man của thực dân Pháp và sự đói khổ, lầm than của người dân, đồng chí Phạm Hùng đã nung nấu lòng căm thù giặc và sớm giác ngộ, tham gia phong trào cách mạng. Đồng chí trở thành Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho khi chỉ mới 19 tuổi.
Đồng chí được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách như: Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ)...
Với phương châm “còn sống còn làm việc và học tập, còn sống còn lao động và chiến đấu”, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đột ngột từ trần khi đang đi công tác tại TPHCM.
Trái tim người chiến sĩ cách mạng tiền bối Phạm Hùng đã ngừng đập, nhưng cuộc đời và những cống hiến của ông cho sự nghiệp cách mạng mãi mãi được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta khắc ghi.
Cuốn sách Phạm Hùng - Người chiến sĩ dạ sắt gan đồng không hướng đến việc tái hiện một cách đầy đủ, chi tiết về cuộc đời, sự nghiệp, những đánh giá về đồng chí Phạm Hùng như một số cuốn sách về đồng chí Phạm Hùng mà NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản như: Phạm Hùng - Tiểu sử, Đồng chí Phạm Hùng với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long, Phạm Hùng - Người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo có uy tín lớn…, mà là tập hợp các câu chuyện, lôi cuốn người đọc bởi lối viết bình dị với những câu chuyện kể về tuổi thơ; về những ngày đầu bước vào con đường cách mạng; về cuộc đấu tranh trước tòa án và trong ngục tù thực dân; về sự quan tâm đến đồng chí, đồng bào với tình cảm thân thương, bình dị…, qua đó góp phần làm rõ hơn những khía cạnh về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng.
Đã hơn 30 năm đồng chí Phạm Hùng rời xa chúng ta, nhưng câu nói của đồng chí vẫn luôn văng vẳng, nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Đảng ta là Đảng cầm quyền, thời kỳ bí mật Đảng tồn tại và phát triển từ trong lòng dân, khi có chính quyền, Đảng ta đã xác định đúng: lấy dân làm gốc, lấy việc chăm lo lợi ích của nhân dân làm mục tiêu trên hết. Cán bộ các cấp phải sát thực tế, nghe, biết được nhiều ý kiến khác nhau của nhân dân; suy nghĩ, phân tích đúng, sai, ra quyết định phù hợp với lợi ích của nhân dân. Có như vậy, Đảng mới thực sự của dân, Đảng ta mới mạnh” (Từ sách Phạm Hùng nhà lãnh đạo trung kiên, mẫu mực, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2003).
Đồng chí Phạm Hùng là nhà lãnh đạo có cuộc sống giản dị, gần gũi với quần chúng, sâu sát, tận tụy với công việc, được đồng chí, đồng đội, bạn bè và nhân dân yêu mến. Đồng chí xứng đáng là học trò mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên cũng như toàn quân, toàn dân ta ra sức học tập, noi theo nhằm khắc phục mọi trở ngại, khó khăn, cùng chung sức chung lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.