Tái bản các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh

NXB Tổng hợp TPHCM vừa tái bản loạt tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của bạn đọc, các ấn phẩm được trở lại với giao diện mới khi có thêm áo bìa, phủ hiệu ứng tranh bìa và tên sách.

Nhà văn Hồ Biểu Chánh (tên thật là Hồ Văn Trung) sinh năm 1885 tại Gò Công (Tiền Giang). Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam buổi giao thời 1900-1930. Gia tài của ông khá đồ sộ với hơn 130 tác phẩm, trong đó có 70 tiểu thuyết và đoản thiên, cùng nhiều thể loại khác như tuồng hát, hồi ký, biên khảo, thơ, dịch thuật, phê bình, tùy bút... Tác phẩm cuối cùng của ông là tiểu thuyết Hy sinh chưa kịp hoàn thành thì ông mất vào năm 1958 tại Phú Nhuận (TPHCM).

Hiện nay, các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh vẫn hiện hữu trên trang sách, sân khấu, phim ảnh... được công chúng yêu quý đón nhận với: Con nhà nghèo, Con nhà giàu, Nợ đời, Cay đắng mùi đời, Bỏ chồng, Bỏ vợ, Chút phận linh đinh, Cười gượng, Vì nghĩa vì tình… Trong số này, nhiều tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim như: Ngọn cỏ gió đùa, Con nhà nghèo, Nợ đời, Hai khối tình, Lòng dạ đàn bà, Dây oan, Chị Đào, chị Lý, Cay đắng mùi đời, Tơ hồng vương vấn…

Về lý do tái bản loạt tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh, ông Trần Đình Ba, Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập NXB Tổng hợp TPHCM, cho biết, văn chương Nam bộ từ thuở khai phá vùng đất này đến nay, từ văn học dân gian thuở ban đầu qua truyền khẩu ca dao, hò vè… cho đến những tên tuổi như Mạc Thiên Tích, Võ Trường Toản đến Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Đình Chiểu… rồi tiếp sau nửa đầu thế kỷ XX là tên tuổi của Hồ Biểu Chánh. Tất cả đã góp phần định hình diện mạo văn học của vùng đất phía Nam Tổ quốc với bản sắc riêng đậm chất Nam bộ.

“Văn chương của Hồ Biểu Chánh không chỉ mang đậm chất Nam bộ mà còn phản ánh được hồn cốt, văn hóa, con người và cả ngôn ngữ đặc thù của vùng đất này giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX”, ông Trần Đình Ba, chia sẻ. Do đó, đọc tác phẩm của ông, là để hiểu, để biết và yêu căn tính Nam bộ. “Ở vị thế của một văn nhân, Hồ Biểu Chánh có vị trí quan trọng trong văn học miền Nam nửa đầu thế kỷ XX. Chúng tôi xác định sách không thể bán chạy, nhưng có lượng độc giả riêng và bền vững qua thời gian”, ông Ba bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục