Tag crưm mùa khai minh lúa nước

Những bản làng xa nhất trên dãy Trường Sơn qua ngã Quảng Bình như người Vân Kiều (Lệ Thủy), anh em Rục, Mày ở rẻo cao Minh Hóa được khai minh lúa nước bởi một con người chất phác, mộc mạc. Đó là đại úy biên phòng Phạm Xuân Ninh, kỹ sư nông nghiệp duy nhất của lực lượng biên phòng Quảng Bình, đưa phương thức canh tác lúa nước lên lưng chừng trời. Không chỉ hạt lúa mà các kỹ thuật tiến bộ của lúa nước cũng được đại úy Ninh khai sáng cho đồng bào. Những mùa vụ tốt đã reo vui trong lòng dân bản. 1.
Tag crưm mùa khai minh lúa nước

Những bản làng xa nhất trên dãy Trường Sơn qua ngã Quảng Bình như người Vân Kiều (Lệ Thủy), anh em Rục, Mày ở rẻo cao Minh Hóa được khai minh lúa nước bởi một con người chất phác, mộc mạc. Đó là đại úy biên phòng Phạm Xuân Ninh, kỹ sư nông nghiệp duy nhất của lực lượng biên phòng Quảng Bình, đưa phương thức canh tác lúa nước lên lưng chừng trời. Không chỉ hạt lúa mà các kỹ thuật tiến bộ của lúa nước cũng được đại úy Ninh khai sáng cho đồng bào. Những mùa vụ tốt đã reo vui trong lòng dân bản.

1.
Tag crưm là tiếng của người Mày xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa giáp Lào, nó được phiên theo nghĩa tiếng Việt nôm na là biên cương. Nhưng sâu trong suy nghĩ của anh em Mày ở đây, Tag crưm như một nền văn hóa thuộc về cương vực, lãnh thổ, bản quán, quê hương, tiếng nói, lễ hội... Theo già Hồ My và Hồ Phong ở vùng này, mỗi ngọn cỏ, gốc cây trong rừng đều có linh hồn giữ gìn biên giới cùng bộ đội biên phòng.

Người Mày thuộc dân tộc Chứt, trong cộng đồng anh em Khùa, Rục, Mã Liềng... Tộc người Mày hiện có lối sống rất cổ xưa và trong cộng đồng các tộc người cấu thành dân tộc Chứt, người Mày khoảng hơn 500 người. Họ thành thạo làm rẫy, đi rừng, săn bắn, hái lượm tốt hơn những việc khác. Và người Mày hoàn toàn xa lạ với lúa nước. Vì thế, hai năm qua, bộ đội Ninh có mặt để chỉ dẫn toàn bộ người Mày ở bản Ka Ai về lúa nước, cây trồng không chỉ nuôi sống con người mà còn giúp con người bảo vệ bản quán quê nhà.

Chúng tôi gặp bộ đội Ninh bên quốc lộ 12A đầy gió mùa lạnh giá. Anh vừa về dưới xuôi mua lên lỉnh kỉnh lưới mắt cáo bằng thép để làm bẫy chuột, thuốc trừ cỏ, diệt sâu để chăm bẵm hơn 2,5ha lúa nước. Bây giờ đã qua vụ lúa thứ hai, nhiều người dân bản thành thạo với hạt giống nảy mầm. Nhưng mùa thứ nhất, khi chọn đất làm ruộng lúa trước mặt bản, chẳng mấy ai tin cây lúa nước bén rễ ở lưng chừng trời. Một quả đồi cằn cỗi, đầy đất đá mồ côi, to thì hàng tấn đến nhỏ vài ký, bám sâu vào đất bạc màu lắm cỏ dại bên con suối Mù Huông.

Ngày lên đây, bộ đội Ninh theo phân công của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, quân số thuộc Đồn biên phòng Cha Lo. Ninh lo thiết kế kỹ thuật, rồi lên kế hoạch dọn đá để làm ruộng. Anh em đơn vị cùng làm rồi vận động đồng bào dọn hơn 2.500 tấn đá hộc lởm khởm. Đó là một kỳ công của bộ đội biên phòng. Đến phiên làm đất, Ninh tự mình cùng đồng đội làm những đường cày thẳng tắp, chỉ dẫn dân bản phải làm lúa nước để tránh nương rẫy bị mưa gió, thú rừng tàn phá.

Đại úy Phạm Xuân Ninh hướng dẫn bà con dân tộc vùng cao tỉa dặm lúa nước.

Mùa thứ nhất, chỉ lèo tèo vài người nghe theo bộ đội ra đồng làm lúa, còn gần như toàn bộ dân bản đứng trên bờ nhìn. Lúa chín rộ, Ninh cùng đồng đội mời dân bản ra gặt, không ít bà con nói lúa của bộ đội, bộ đội cứ gặt đi. Chỉ có chị Hồ Thị Lài cùng chồng con và ít người khác ra ruộng thu hoạch. Mùa vụ được năng suất cao, lúa tuốt ra, Đồn biên phòng Cha Lo chia cho bà con. Nhưng trước khi chia, những hộ nào siêng năng lao động được chấm công nhiều sẽ được chia nhiều. Cả bản Ka Ai ngạc nhiên, không ai nghĩ bộ đội làm lúa cho cả bản. “Nay làm vụ thứ hai, khi cày đất, cả bản cùng đi làm, người hay rượu chè cũng ra đồng theo gương người siêng năng”, bộ đội Ninh kể.

2. Tôi vào nhà chị Hồ Thị Lài ở trung tâm bản. Lài là người siêng năng nhất vùng, nghe có cây lúa nước được đưa lên, Lài xung phong làm ruộng đầu tiên. Vụ mùa thứ nhất, Lài được bộ đội Ninh chấm công chia hơn 5,5 tạ thóc, đến nay nhà vẫn đầy ắp gạo trong bao.

Chị Lài nói vui: “Nhờ bộ đội Ninh bày cách làm ruộng, bày cách phân biệt cây lúa khi nhỏ với cây cỏ, rồi bón phân, tỉa lúa, rải lúa làm sao cho đều, cày máy, xem lúa trổ đòng, ngâm giống, chờ nảy mầm. Giống vụ hè thu không ủ nước nóng, ngâm giống vụ đông xuân tưới nước ấm cho mầm lúa không bị rét. Bộ đội Ninh còn bày cách làm hàng rào chống chuột, gà, lợn, bò, thu lượm phân bò, phân heo quanh bản để bón lúa xanh”...

Ninh là một chàng trai trẻ sinh ở TP Đồng Hới, học Trường Đại học Nông lâm Huế, nhập ngũ và về công tác tại Biên phòng Quảng Bình. Sinh năm 1982, Ninh hoàn toàn không tiếp xúc nhiều với cây lúa nước, nhưng với tấm bằng cử nhân trồng trọt, Ninh được giao nhiệm vụ phải làm sao đưa cây lúa nước lên với những tộc người có cuộc sống và tư duy xưa cũ.

Công trình lúa nước đầu tiên Ninh được bộ đội biên phòng giao là 2ha ở bản Tân Ly, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy. Bản nằm ở Tây Trường Sơn, đi lại vô cùng khó khăn. Khi Ninh đến với chiếc ba lô đầy hạt giống, người Vân Kiều đã khuyên anh không nên làm, bởi trước đó, huyện Lệ Thủy đã đưa đội ngũ cán bộ nông nghiệp kỳ cựu làm lúa nước tới đây truyền nghề nhưng thất bại.

Tháng 5-2009, Ninh có mặt, ở lại với dân bản, nghe kể các kết quả đầy thất vọng trước đây, với chàng trai trẻ này như bị một gáo nước lạnh. Nhưng sau khi khảo sát, Ninh bảo lưu quan điểm, phải làm để lấy lại niềm tin với đồng bào. Từ khai hoang phục hóa, đến gieo hạt mầm đầu tiên, Ninh chủ công, đồng đội ở Đồn biên phòng Làng Ho tham gia, động viên những người siêng năng nhất bản Tân Ly vào vụ mùa thứ nhất. Mọi thứ tốt hơn những gì mà dân bản dự tính, lúa mơn mởn, chắc hạt và bội thu.

Ở quê nhà Đồng Hới, Ninh có người yêu đã dạm hỏi và định ngày cưới. Nhưng rồi sự cố xảy ra với đồng lúa Tân Ly, Ninh đành gác lại chuyện trăm năm, dời lại ngày cưới để cứu lúa. Đó là một đêm dông, lúa chuẩn bị thu hoạch bị gió quật đổ rạp, sáng ra nhìn vạt lúa mà đau lòng, bao công sức, mồ hôi, bao quyết tâm gây dựng niềm tin trở lại với bà con Vân Kiều bị gió xô sát đất. Người Vân Kiều nhìn lúa lắc đầu.

Ở quê lại gọi điện kêu Ninh về làm đám cưới. Ninh đành giải thích với gia đình qua điện thoại, tạm hoãn ngày cưới vì nhiệm vụ. Ninh ra giữa cánh đồng mênh mông lúa đổ rạp, vuốt từng cụm lúa, dựng chúng dậy để tránh úng nước, cả ngày trời giữa hoang vu với quyết tâm cứu lúa. Không ngờ, quyết tâm cứu lúa của Ninh vực dậy niềm tin với người Vân Kiều, lúa không mất mà năng suất còn cao như dưới xuôi.

Thu hoạch đâu vào đấy, chia hết cho bà con, Ninh mới về xuôi cưới vợ. Khi qua vụ thứ hai, vừa chuẩn bị làm đất, cả bản Tân Ly đến nhờ bộ đội Ninh chỉ họ cách lao động, làm đất, cày bừa. Ninh xuống ruộng, bày từng hạt giống, từng mầm sống. Vụ mùa đó tiếp tục thành công, Ninh báo cáo đơn vị chuyển giao cho đồng bào, chia đất cho từng hộ dân. Nay ở bản Tân Ly, người Vân Kiều gọi ruộng lúa nước là ruộng bộ đội Ninh. Từ 2ha đầu tiên, đồng bào học theo cách chỉ dạy của Ninh mà khai hoang thêm ruộng đất để có thêm các vụ mùa tốt tươi.

3. Tân Ly thành công, vào tháng 10-2010 dấu chân người lính Phạm Xuân Ninh tiếp tục xuyên rừng Trường Sơn đến với người Rục (Thượng Hóa, Minh Hóa), một tộc người mới rời hang đá vài chục năm, phương thức sản xuất nghèo nàn. Ninh được chỉ đạo phải gầy dựng phương thức thâm canh lúa nước trong tâm trí đồng bào Rục. Phải làm thật kỹ lưỡng để bà con có thêm “túi khôn” mới.

Hơn 10ha lúa do Đồn biên phòng Cà Xèng khai hoang, Ninh bám làng, bám đất, động viên bà con đi lao động, tập cầm cái liềm, tập cầm cái cuốc, tập làm quen với từng chiếc máy cày nhỏ mà bộ đội biên phòng đưa lên. Nhìn thời tiết, khí hậu, Ninh phải thực hiện cho được cách chọn giống, tất cả không cho phép thất bại.

Với người Rục, Ninh tham mưu cách làm hợp tác xã, đánh kẻng lao động ở ba bản Ón, Yên Hợp, Mò o ồ ồ về giờ giấc lao động từng buổi. Ninh có cuốn sổ chấm công từng gia đình. Cao Tiến Thuỳnh, trong nhóm người Rục cần cù lao động kể: “Bộ đội Ninh đến, cứ tưởng nghe cây lúa nước khó hiểu, nhưng bộ đội Ninh vừa làm vừa nói rất rõ ràng, bà con hiểu dần dần”.

Vụ đầu tiên, 10ha lúa nước bội thu, Ninh chia cho cả ba bản. Tiếp tục ở lại với đồng bào Rục vụ thứ hai, khi hạt giống đang ủ mầm, dưới quê, người nhà gọi điện nói vợ anh sắp sinh, anh phải về gấp. Nhưng không có mặt Ninh, không ai có thể dạy bà con cách chăm sóc cây lúa. Ninh ở lại, vợ vượt cạn mà không có mặt người đàn ông trụ cột. Hy sinh việc nhà, đổi lại đồng bào tin vào công sức của Ninh cho hạt giống lương thực thoát đói nghèo.

Ở với đồng bào Rục 5 vụ lúa thành công ngoài dự tính, theo lệnh cấp trên, Ninh lại khăn gói đi tiếp phía biên giới, lên với anh em Mày ở Ka Ai. Ngày đi, đồng bào Rục vẫy chào bộ đội Ninh trong trìu mến, nghĩa tình. Nay Ninh cùng ăn cùng ở, cùng sản xuất với người Mày dưới núi Giăng Màn. Ruộng chuẩn bị chia cho dân bản, Ninh tâm sự: “Xong lúa nước ở đây, trên phân công bất cứ đâu, tôi đều đi hết. Đi để đồng bào mình có cái ăn, có cái mặc từ công sức lao động, có thêm hiểu biết lúa nước thì khó khăn mấy tôi cũng đi”.

Từ cống hiến tận tụy đó mà Ninh là cá nhân duy nhất của tỉnh Quảng Bình được báo cáo trước Ban Bí thư tham luận Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào tháng 5-2013. Năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký tặng bằng khen người lính đưa văn minh lúa nước lên biên giới thành công. Còn người anh em Mày thì nói Ninh là người thân ruột thịt của họ không chỉ bây giờ mà mãi trong ký ức.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục