Theo đó, qua nhiều lần thăm khám tại các cơ sở y tế khác, bé P.L.T.K (SN 2020, quê ở Quảng Ngãi) được chẩn đoán bị tật bẩm sinh dính ngón 3,4,5 ở hai bàn tay và cần phẫu thuật 2 lần vì mức độ dính nặng.
Vì lo lắng con còn nhỏ mà phải chịu phẫu thuật nhiều lần, gia đình đã đưa cháu bé đến Bệnh viện Đa khoa Gia Đình (Đà Nẵng) để được tư vấn vào đầu tháng 4-2022.
Đến ngày 3-4, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công sau 5 tiếng bởi sự phối hợp của Ths.BS Nguyễn Đình Hòa (khoa Cơ xương khớp), Ths.BS. Phạm Ngọc Quang (Khoa Phẫu thuật tạo hình) và BS.CKI Đoàn Thị Nguyệt Thủy (Khoa gây mê hồi sức) cùng các cộng sự.
Đây là cuộc phẫu thuật tách dính ngón tay rất phức tạp, dễ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, chưa kể sau phẫu thuật có thể có những nguy cơ như: hoại tử vạt da ghép, hoại tử ngón tay, tổn thương thần kinh ngón có thể khiến ngón tay của trẻ mất cảm giác.
Theo Ths.BS. Nguyễn Đình Hòa, Khoa Cơ xương khớp - Bệnh viện Đa khoa Gia Đình, là một kỹ thuật khó trong phẫu thuật tạo hình, trường hợp dính nhiều ngón hoặc dính nặng cả gân, xương chung yêu cầu chuyên môn của bác sĩ rất cao. Nếu không sẽ cần tiến hành phẫu thuật nhiều lần, thậm chí là ca phẫu thuật sẽ thất bại.
Dị tật dính ngón tay bẩm sinh (Syndactyly) là dị tật đứng hàng thứ 2 trong các dị tật của bàn tay (sau tật thừa ngón tay). Tần suất trẻ dính ngón tay bẩm sinh chiếm khoảng 1/2.000 trẻ sơ sinh có nhiều mức độ từ nhẹ tới nặng như chỉ dính da cho đến dính phức tạp cả xương hoặc dính nhiều ngón tay một lúc. |