Trình bày một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (UBVHGD) của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, ngay sau kỳ họp, Thường trực UBVHGD đã tổ chức cuộc họp với Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL - Trưởng Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan để thống nhất việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật.
Về cơ bản, dự thảo luật sau khi chỉnh lý đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 09 chương với 101 điều, giảm 01 điều so với dự thảo trình tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV .
Chủ nhiệm UBVHGD thông tin, trong nội dung dự thảo luật lần này sẽ tách phần “di sản tư liệu” ra thành một nội dung độc lập.
Theo giải thích, khác với di sản văn hóa vật thể mang tính đặc trưng của vật chất và di sản văn hóa phi vật thể mang thuộc tính đặc trưng của tinh thần không thể nhìn thấy được, nhưng di sản tư liệu mang thuộc tính của giá trị thông tin, thông điệp thể hiện trên hiện vật mang thông tin được chủ thể tạo ra có chủ ý, có thể tiếp cận, đọc và hiểu được.
Do đó, việc tách di sản tư liệu như dự thảo luật sẽ quy định cụ thể, đồng bộ hơn, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này.
Bên cạnh đó, Thường trực UBVHGD và cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã thảo luận và thống nhất bỏ nội dung “di sản địa chất” ra khỏi dự thảo luật. Nguyên nhân là nội dung “di sản địa chất” đã được điều chỉnh tại Luật Bảo vệ môi trường và Luật Địa chất khoáng sản (sửa đổi), không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa.
Trường hợp khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù được công nhận là “danh lam thắng cảnh” theo quy định tại điểm c, khoản 4, điều 22 dự thảo luật thì mới được điều chỉnh theo quy định trong dự thảo luật này.