- PGS-TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Cần có giải pháp tổng thể
Đầu tiên là phải nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với việc hỗ trợ văn học nghệ thuật, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ về chính trị, mà còn về văn hóa, xã hội; không chỉ cho văn nghệ sĩ, còn cho cả người dân, đặc biệt là những người gặp bất lợi trong việc tiếp cận, hưởng thụ và sáng tạo hỗ trợ văn học nghệ thuật, để không ai bị bỏ lại phía sau trong lĩnh vực đặc biệt tinh tế này.
Thứ hai, cần thay đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến việc hỗ trợ văn học nghệ thuật. Nó cần phải hướng đến thị trường, công nghiệp văn hóa, để tránh tình trạng chỉ tập trung vào hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, mà quên rằng, để các sản phẩm đó đến được với thị trường, công chúng, chúng ta phải bao quát toàn bộ các yếu tố liên quan như: phát hành, quảng bá, phát triển khán giả, xây dựng thương hiệu... Bên cạnh cơ chế đặt hàng, có thể xem xét thêm cơ chế trao thưởng cho các tác phẩm xuất sắc về chủ đề do Nhà nước đặt hàng; cũng như xem xét cơ chế hợp tác công - tư, quản lý sử dụng tài sản công, thuế... để hỗ trợ văn học nghệ thuật.
Thứ ba, cần chú ý đến nội dung hấp dẫn, khâu đầu tư sản xuất, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật, chiến lược tiếp thị phù hợp, phân phối và phát hành rộng rãi. Ví dụ như với điện ảnh, cần có một chiến lược tiếp thị thật tốt để quảng bá cho phim, gồm các chiến dịch quảng cáo truyền thông, sự kiện ra mắt, cũng như việc tận dụng các kênh truyền thông xã hội và truyền thông trực tuyến.
- Bà NGÔ THỊ BÍCH HẠNH, Tổng Giám đốc BHD:
Giải quyết tận gốc vấn đề cơ chế
Không nên trông chờ việc rạp chiếu phim hỗ trợ miễn phí cho phim nhà nước như đang diễn ra với Đào, phở và piano, mà cần có chính sách phát hành hiệu quả. Việc không có chi phí quảng bá phát hành, tiền bán vé phải trả lại hết cho nhà nước, rõ ràng là hết sức vô lý, kìm hãm việc phổ biến tác phẩm. Hiện tại, ngay cả phim cũ của nhà nước cũng không có cơ chế phát hành, dẫn đến việc mua phim gặp nhiều khó khăn. Nếu có cơ chế hiệu quả sẽ giúp các phim nhà nước có thể tự “đi bằng hai chân” bởi nghệ thuật lúc nào cũng có giá trị riêng của nó, với từng nhóm đối tượng, ở từng thời điểm khác nhau. Bất cứ tác phẩm nào cũng có giá trị, nhưng điều đầu tiên là phải đưa nó đến được với số đông công chúng.
Theo tôi, việc một bộ phim đặt hàng đang thu hút khán giả là cơ hội để chúng ta giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu cơ chế phát hành phim nhà nước. Nếu không nắm bắt thời điểm này, việc giải quyết vấn đề sẽ còn kéo dài. Phía Cục Điện ảnh và Bộ VH-TT-DL cần chủ động đề xuất với nhà nước ban hành chính sách cụ thể để phim nhà nước có thể đến với khán giả. Đây là việc quan trọng nhất, phải làm đến cùng bởi mục đích cuối cùng của sản xuất phim là phục vụ công chúng. Sản xuất phim mà không được phát hành, không đến được với công chúng là một sự lãng phí lớn, không còn ý nghĩa gì.
- PGS-TS TRẦN LUÂN KIM:
Chế tài với tác phẩm nhà nước đặt hàng
Nhà nước bỏ tiền ra làm phim chứng tỏ sự quan tâm đến những mảng đề tài khó, nhưng đồng thời, phải tìm cách quản lý số vốn bỏ ra và bài toán làm sao thu hồi được. Những ràng buộc với phim nhà nước đặt hàng rất quan trọng nhưng lâu nay bị bỏ ngỏ. Nên chăng nhà nước đưa ra quy định, chế tài phim làm ra phải được chiếu, phải bán được vé…
Lâu nay, tái diễn tình trạng cứ cấp tiền làm phim xong rồi thôi, có đến được với khán giả hay không, không ai giám sát, quản lý. Điều này một mặt vừa lãng phí, mặt khác làm cho phim nhà nước mất đi tác dụng định hướng, giáo dục, tuyên truyền như mong muốn. Để chấn chỉnh điều này, Cục Điện ảnh phải có thể lệ, quy định chi tiết về các vấn đề. Tuy nhiên, cơ chế cũng phải linh hoạt, bởi nếu quá ngặt nghèo sẽ không còn ai dám làm. Do đó, cũng cần có chế độ khen thưởng, vinh danh khuyến khích nhà làm phim cùng tham gia.
- Đạo diễn HUỲNH ANH TUẤN (Nhà hát Idecaf):
Tác phẩm đặt hàng cần gắn với đời sống
Khi đăng ký làm các tác phẩm đặt hàng, chúng tôi luôn muốn đã tập vở thì phải diễn nhiều. Bởi để diễn tốt, anh em nghệ sĩ, diễn viên phải tập cả tháng trời mới xong. Thế nhưng, nhiều tác phẩm do nhà nước đầu tư sau khi hoàn thành, diễn mấy suất để “báo cáo nghiệm thu” rồi cất kho, khá hơn thì diễn thêm 3, 4 lần tại các liên hoan, hội diễn… Tác phẩm không có “giá trị sống” thông qua thực tế bán vé thương mại, điều này khiến rất khó phát huy cái hay của tác phẩm. Thử hỏi, nghệ sĩ biết mình chỉ diễn vài suất rồi nghỉ thì làm sao họ toàn tâm toàn ý cho vai diễn.
Theo tôi, các tác phẩm sân khấu đặt hàng bên cạnh những tiêu chí chung của nhà nước đề ra nên kêu gọi sự đóng góp chất xám của nghệ sĩ để xây dựng tác phẩm. Từ đó, có được những tác phẩm vừa phục vụ yêu cầu chính trị, vừa có các yếu tố đời sống thường nhật, gần gũi với khán giả. Như vậy, tác phẩm sẽ có đời sống mạnh mẽ hơn, dễ đến với khán giả hơn và nghệ sĩ, đơn vị thực hiện cũng thuận lợi hơn để biểu diễn phục vụ lâu dài.
- NSND TRẦN MINH NGỌC:
Phải có can đảm từ chối khi thấy không thể làm tốt
Vấn đề sáng tác tác phẩm, dù của nhà nước hay tư nhân, đều lấy khán giả làm đích đến. Anh làm để tuyên truyền, kỷ niệm mà không có người xem thì ý nghĩa của công tác tuyên truyền, kỷ niệm không thành công. Điều này đặt ra trách nhiệm lớn của người sáng tác, của các tác giả, đạo diễn và của cả diễn viên, cũng như các đơn vị nghệ thuật. Khi nhận tác phẩm, phải xem xét vấn đề được yêu cầu, xem có đủ lực, tư tưởng, vốn sống, kỹ thuật… để làm đạt hiệu quả.
Khi cảm thấy mình không làm được, không đủ điều kiện và năng lực thì nên chủ động từ chối. Phải có dũng khí, can đảm biết từ chối. Và phải có quyết tâm thực hiện cho bằng được đề tài nếu nhận thấy có thể hoàn thành, làm đến cùng, hướng đến kết quả tốt nhất cho một tác phẩm mới ra mắt. Có như thế thì các tác phẩm đặt hàng mới đạt được hiệu quả mà người đặt hàng là nhà nước mong muốn.