Tác phẩm đặt hàng - Đặt rồi, để đâu? - Bài 2: “Cởi trói” từ gốc

Câu chuyện các tác phẩm được thực hiện từ ngân sách nhà nước bị cất kho, lãng phí, thường hay được quy chung về một mối: lỗi tại cơ chế. Thế nhưng, dù cơ chế đã có phần thay đổi với thành công từ hợp tác công - tư của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, vậy mà đã gần 10 năm qua, thành công đó chưa thể lặp lại.

“Bắt mạch” những bất ổn

Đặt câu hỏi về số tiền dành cho quảng bá, phát hành một bộ phim điện ảnh Nhà nước đặt hàng thời điểm này, ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phim Giải Phóng, không ngần ngại tiết lộ, chỉ 100 triệu đồng và áp dụng “từ lâu lắm rồi”. Những bộ phim chỉ tổ chức buổi ra mắt, kiểu báo cáo theo đúng quy trình.

Trong khi đó, đối với các bộ phim do tư nhân sản xuất, số tiền dành cho hoạt động quảng bá và phát hành lên đến con số vài tỷ đồng. Sau khi phim ra rạp, doanh thu sẽ được chia theo tỷ lệ giữa chủ phim và chủ rạp, không hề có chuyện rạp chiếu miễn phí rồi nộp lại 100% doanh thu như đối với các phim Nhà nước đặt hàng.

Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, chia sẻ thêm: “Nhà sản xuất tư nhân luôn trong tâm thế phải thu hồi được vốn nên chiến lược truyền thông của họ rất rõ ràng, khoa học. Mục tiêu là tạo sự hiếu kỳ, tò mò để buộc khán giả đi coi. Với phim Nhà nước đặt hàng, chúng ta gần như mặc kệ, thậm chí giống như không cần ai đến xem, đến cả lịch chiếu cũng không phổ biến rộng rãi”.

Câu chuyện “nghèo” về quảng bá không chỉ diễn ra ở lĩnh vực điện ảnh. Bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cho biết, năm 2021 mới bắt đầu thực hiện quảng bá các tác phẩm đoạt giải cao thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật.

Trước đó, các tác phẩm thực hiện xong, tổ chức thi, trao giải… rồi cất tủ. Trong lĩnh vực văn học, kinh phí Nhà nước hỗ trợ sáng tác (thông qua Hội Nhà văn TPHCM) dao động từ 8-13 triệu đồng/bản thảo. Đây là tiền hỗ trợ sáng tác, còn chuyện xuất bản là chuyện của nhà văn...

Vướng mắc không chỉ nằm ở khâu quảng bá, một vấn đề được chú ý là ở chất lượng tác phẩm. Ông Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM, nêu ra một thực tế, đó là hiện tượng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Theo ông, mỗi văn nghệ sĩ, đặc biệt là những người sáng tạo, phải tự mình vận động, tự mình làm sao để có tác phẩm hay, chứ không chỉ trông chờ vào tiền đầu tư của Nhà nước rồi mới sáng tác.

Theo ông “bầu” Huỳnh Anh Tuấn của Nhà hát Idecaf, việc chọn đơn vị thực hiện các tác phẩm đặt hàng cũng cần minh bạch. “Cách chọn đơn vị làm vở đặt hàng để quảng bá cũng cần có sự công khai, lựa chọn phải dựa trên thế mạnh, thực lực, tiềm năng sáng tạo và thực hiện tác phẩm của các sân khấu. Nên công khai để các thành phần sáng tác có đủ chất lượng, có trách nhiệm được biết để cùng làm”, ông Tuấn đề xuất.

10 năm chỉ có 1 điển hình

Hợp tác công - tư đã có lúc được xem là giải pháp “cởi trói” từ gốc cho những bất ổn trong việc khai thác hiệu quả những tác phẩm văn học, nghệ thuật được thực hiện từ ngân sách Nhà nước. Điều này càng được trông chờ sau thành công của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Cục Điện ảnh Việt Nam phối hợp một số đơn vị sản xuất, phát hành tư nhân thực hiện năm 2015) với tổng doanh thu lên đến hơn 78 tỷ đồng.

Có lẽ, TS Ngô Phương Lan là người tường tận nhất việc hợp tác công - tư phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Khi đó, bà đang là Cục trưởng Cục Điện ảnh. Theo bà Ngô Phương Lan, đây là một sự đột phá trong việc hợp tác làm phim.

d6a-7574.jpg
Ballet Kiều, một tác phẩm múa được Nhà nước đầu tư gây tiếng vang lớn. Ảnh: THÚY BÌNH

“Phim thiếu nhi với bối cảnh vùng quê nghèo, ở thời điểm đó, đây là một đề tài không hấp dẫn khán giả. Nhà sản xuất tư nhân mong nhận được đầu tư của Nhà nước. Về phía chúng tôi, trong danh mục tiêu chí đặt hàng cũng có một mục là phim thiếu nhi và chúng tôi đã tận dụng điều này. Phải thừa nhận đó là kịch bản hay, có nhiều thông điệp sâu sắc. Bởi thế sau khi hội đồng thông qua, chúng tôi đã cố gắng đến cùng để đưa vào phương thức đặt hàng mới”, bà Ngô Phương Lan nhớ lại.

Tuy nhiên, gần 10 năm trôi qua, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh vẫn được xem thành công duy nhất của mô hình hợp tác công - tư trong điện ảnh. Lý do chính, như bà Ngô Phương Lan nhìn nhận: “Khi cùng tham gia làm phim theo tiền đặt hàng của nhà nước, các hãng phải kiên trì, cố gắng hơn nhiều. Nguyên do là việc thực hiện thủ tục hành chính, tài chính khá rắc rối, lâu dài, để đi đến quyết toán mất rất nhiều thời gian”.

Và điều này những người từng phối hợp làm phim dạng công - tư có lẽ thấm thía nhất. Phim Trạng Tí khi gửi kịch bản nhưng chờ mãi vẫn chưa xong phần thủ tục. Nhà sản xuất sau đó đành bỏ cuộc, tự đi xin nguồn kinh phí khác để sản xuất.

Hay trường hợp của Thạch Thảo, một bộ phim từ hợp tác công - tư, đến nay khi được hỏi những vướng mắc về thủ tục hợp tác, đạo diễn Mai Thế Hiệp vẫn lắc đầu từ chối chia sẻ chuyện cũ. Trong khi đó, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc BHD, đơn vị phối hợp sản xuất phim Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác, trước câu hỏi về vấn đề hợp tác công tư của phim cũng chỉ đáp chung chung “còn rất nhiều vướng mắc chưa được giải quyết”.

Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hiện Luật Đối tác công-tư chưa cho phép lĩnh vực văn hóa, vì thế, những thử nghiệm ở TPHCM hay sắp tới là Hà Nội có thể là những kinh nghiệm quý để sửa luật.

“Tôi nghĩ, không phải chúng ta thiếu nguồn lực xã hội, hay sự quan tâm của xã hội với văn học nghệ thuật. Điều chúng ta thiếu là một môi trường hỗ trợ cho sự tham gia của xã hội vào việc đầu tư cho các dự án, sản phẩm. Chỉ khi chúng ta huy động được sự quan tâm này, nền văn học nghệ thuật nước nhà mới có thêm được cơ hội phát triển và đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của đất nước”, PGS-TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Trên thực tế, thành công về độ hấp dẫn khán giả của Đào, phở và piano không đến từ một sự đổi mới, hay tiến bộ nào trong cơ chế đầu tư Nhà nước về văn học nghệ thuật. Trong thành công đó có cả phần may mắn và tình cờ. Nhưng chính thành công này lại giúp chúng ta có cơ hội để nhìn lại và thay đổi phương thức đầu tư cho các tác phẩm nhà nước đặt hàng, để từ đó các tác phẩm này thực sự phát huy được hiệu quả, góp phần nâng chất đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng ngày càng cao của người dân.

* Ông Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM:

Để tư nhân làm, Nhà nước mua lại

Theo tôi, thay vì làm theo kiểu Nhà nước đặt hàng rồi đơn vị sản xuất mới thực hiện thì chúng ta có thể làm ngược lại. Các đơn vị, nhà sản xuất chủ động đầu tư làm chương trình thật hay, thật chất lượng cả về tính nghệ thuật, thẩm mỹ, nội dung tuyên truyền, định hướng xã hội.

Sau đó, họ giới thiệu, chào hàng và nếu đáp ứng các tiêu chí, Nhà nước sẽ bỏ tiền ra mua lại rồi đem đi biểu diễn, trình chiếu tại các quận huyện, trường học, địa phương, hay thậm chí là tại các hệ thống rạp, sân khấu… Từ đây, hoạt động phục vụ văn học nghệ thuật cho người dân ở các quận huyện của thành phố sẽ được nâng chất theo chất lượng tác phẩm.

* Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc BHD:

Nhà nước đóng vai trò là nhà đầu tư lớn

Theo tôi, Nhà nước luôn phải duy trì 2 hình thức. Thứ nhất, hỗ trợ không hoàn lại cho các nhà làm phim thực hiện các đề tài thiết yếu, có giá trị về văn hóa, lịch sử… Có thể xem khoản hỗ trợ không hoàn lại này như một khoản chi phí đầu tư cho văn hóa, bản sắc quốc gia, tương tự như cách nhiều quốc gia khác trên thế giới đang làm. Việc đầu tư này mang lại lợi ích lâu dài về mặt tinh thần và góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia.

Nhưng song song đó, khi đầu tư vào công nghiệp văn hóa cần đảm bảo sự sòng phẳng và minh bạch theo đúng cơ chế thị trường. Nhà nước cần tạo ra những cơ chế vận hành phù hợp để công nghiệp văn hóa hoạt động hiệu quả. Nghĩa là chúng ta phải nhìn nhận nó theo đúng cấu trúc của một nền công nghiệp, để mọi thứ thật sự rõ ràng, nếu không, nó mãi mãi vẫn là cơ chế xin - cho. Và một điều rất quan trọng khi phát triển công nghiệp văn hóa là Nhà nước nên đóng vai trò là nhà đầu tư lớn cho công nghiệp văn hóa.


Trong lễ tổng kết của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM vừa qua, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền đã nhấn mạnh: “Phải nghiên cứu, học hỏi thêm từ các đơn vị tư nhân, xem họ đã thực hiện như thế nào để tác phẩm của họ đến được với đông đảo công chúng và có doanh thu rất lớn; trong khi chúng ta cũng có rất nhiều tác phẩm nhưng thu hút không được bao nhiêu”.

Tin cùng chuyên mục