“Nhà nước bỏ tiền ra để làm phim chứng tỏ sự quan tâm đến những mảng đề tài khó, kén khán giả… là việc cần thiết. Nhưng nếu làm phim xong rồi cất kho, thì đó chính là tổn thất lớn không chỉ là tiền bạc mà còn là công sức, nỗ lực và cả trách nhiệm với đất nước”, PGS-TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, thẳng thắn bày tỏ quan điểm liên quan đến câu chuyện phim Nhà nước đặt hàng đang “dậy sóng” những ngày vừa qua.
Lợi thì có lợi…
Hàng năm, các lĩnh vực văn học nghệ thuật vẫn được Nhà nước cấp kinh phí phục vụ cho việc sáng tác. Năm 2023, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM có khá nhiều ấn phẩm được xuất bản theo diện sách Nhà nước đặt hàng, như: tập truyện ký Người thành phố (nhà văn Đỗ Viết Nghiệm - tác phẩm xếp loại A trong đợt Trại sáng tác năm 2022 với chủ đề “Thành phố tôi”); công trình sách do Hội Nhà văn TPHCM thực hiện với sự tham gia của 400 tác giả, gồm 4 cuốn: tập ký và truyện ký Âm thanh và ký ức, tập truyện ngắn Ngôi nhà rường bản Trăng, tập lý luận phê bình Đổi mới và tiếp nhận, tập thơ Thành phố này tôi đến tôi yêu.
Lĩnh vực sân khấu, những năm gần đây các tác phẩm được thực hiện từ ngân sách Nhà nước có thể kể đến các vở kịch: Dấu xưa (Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B), Châu về hợp phố (Sân khấu Kịch Hồng Vân), Rặng trâm bầu (Sân khấu Trịnh Kim Chi), Cánh đồng rực lửa (Sân khấu Quốc Thảo), Nghề nuôi quan, Những con sóng vô hình, Kỳ án xứ mặt trời (Hội Sân khấu TPHCM); các vở cải lương: Tình yêu thời chiến, Bức chân dung huyền thoại, Thành phố buổi bình minh (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang)…; các vở múa: Ballet Kiều (biên đạo: Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Phúc Hùng), Hoàng hôn (kịch bản và đạo diễn: Nguyễn Phúc Hải, Nguyễn Phúc Hùng)...
Lĩnh vực điện ảnh, năm 2023 cùng với Đào, phở và piano còn có 2 phim Nhà nước đặt hàng là: Hồng Hà nữ sĩ và Phơi sáng cùng hàng chục phim hoạt hình, tài liệu, khoa học… đa phần được giao cho các hãng phim nhà nước trước đây (nay đã được cổ phần hóa). Theo PGS-TS Trần Luân Kim, các nhà làm phim tư nhân thường quan tâm đến khả năng thu hồi vốn nên họ chủ yếu lựa chọn đề tài dễ thu hút khán giả, nhanh thu hồi vốn. Do đó, việc Nhà nước bỏ tiền ra để làm các bộ phim đề tài lịch sử, truyền thống là vô cùng cần thiết.
NSND Trần Minh Ngọc cùng Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM Lê Nguyên Hiều chung nhận định, chủ trương của Nhà nước về việc đặt hàng đối với những người sáng tác sân khấu luôn cần thiết và đúng đắn.
Ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM, khẳng định, phải đầu tư cho văn học nghệ thuật, bởi đây không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà còn là nhiệm vụ chính trị. “Quan trọng là đầu tư và phương pháp quảng bá như thế nào. Trong công tác đầu tư, cần đặt ngay vấn đề quảng bá để tác phẩm đó đến được với công chúng, như vậy mới có hiệu quả. Còn chỉ biết có đầu tư, sau đó diễn xuất, hoặc in sách để báo cáo thì không ổn”, ông Nguyễn Trường Lưu phân tích.
Khi tiền chỉ có ra
Nếu không bất ngờ gây sốt thì Đào, phở và piano cũng chung số phận như bao phim Nhà nước đặt hàng thời gian gần đây. Cụ thể như Sống cùng lịch sử - phim có kinh phí 21 tỷ đồng, từng không bán nổi 1 vé khi ra rạp. Hay ra mắt cùng thời điểm nhưng Hồng Hà nữ sĩ vẫn luôn trong cảnh… chợ chiều. Phơi sáng thậm chí mới chỉ có mỗi một suất chiếu ra mắt cuối năm 2023. Chưa kể, còn rất nhiều phim Nhà nước đặt hàng trước đây từ điện ảnh, tài liệu, khoa học, hoạt hình, mấy ai biết mặt, đặt tên.
Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, nhấn mạnh, nhiều bộ phim được thực hiện bằng ngân sách nhà nước nhưng không tính đến việc thu hồi vốn, khán giả thích hay không cũng không biết. “Đối với phim Nhà nước đặt hàng, tiền sản xuất cũng là tiền từ đóng thuế, do đó tác phẩm phải mang về lợi nhuận. Đừng nghĩ Nhà nước đầu tư mà dễ dãi. Càng không thể đổ lỗi vì kinh phí thấp mà ảnh hưởng đến chất lượng”, bà Thúy chia sẻ.
Điều đáng buồn là điệp khúc làm, biểu diễn, trưng bày, giới thiệu cho có rồi cất kho diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực. Nhiều tác phẩm đầu tư để đi thi các liên hoan, hội diễn, dù có giành huy chương thì về cũng gần như bỏ kho. Bạn đọc nếu không quen tác giả, hoặc không phải là hội viên Hội Nhà văn TPHCM, nghiễm nhiên sẽ không có sách để đọc. Nhiều năm về trước, cứ đến sảnh trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM, sẽ thấy có nhiều sách được bày ở đây. Đó chính là sách được đầu tư, là sản phẩm của các trại sáng tác, nhưng không bán mà chỉ… trưng bày.
“Trơ gan cùng tuế nguyệt” là số phận của hơn 40 tác phẩm từ trại sáng tác điêu khắc năm 2005 tại TPHCM, hiện vẫn để ở một góc Công viên Tao Đàn (quận 1), và 50 tác phẩm khác, thành quả của trại điêu khắc quốc tế vào năm 2015 tại TPHCM hiện vẫn ở Công viên Văn hóa - Lịch sử dân tộc (TP Thủ Đức). “Do không được bảo quản nên những tác phẩm làm bằng các chất liệu kém bền đã hư hỏng hoàn toàn”, một tác giả chua chát cho biết.
NSND Mỹ Uyên (Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B) cũng không ngại nói: “Tiền đầu tư cho các trại sáng tác kịch bản phim, sân khấu không ít, kịch bản trong trại sáng tác được đầu tư thực hiện cũng có nhiều, nhưng như những bộ phim tài liệu về TPHCM, Sài Gòn - Gia Định, hay về các địa điểm danh thắng, các vùng miền, di tích lịch sử…, làm xong rồi không phát hành, khán giả nào biết”.
Ông Lê Nguyên Hiều cũng cảm thấy đáng tiếc khi hiện nay tác phẩm dựng xong chỉ có thể diễn báo cáo 1 lần, giỏi lắm thì 2 hay 3 lần rồi cất đó. Tốn kém rất nhiều tiền của, công sức nhưng lại chẳng phát huy được hiệu quả tuyên truyền của tác phẩm.
PGS-TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Phải duy trì việc hỗ trợ văn học nghệ thuật
Có nhiều đề tài văn học nghệ thuật khó, kén khán giả nhưng rất quan trọng đối với sự phát triển nhân cách, đạo đức con người, giữ gìn những giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc. Nếu không có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, các tác phẩm văn học nghệ thuật sẽ rất khó ra đời và có chỗ đứng, lan tỏa những thông điệp quan trọng mà Nhà nước ưu tiên cho xã hội.
Bên cạnh đó, các tác phẩm văn học nghệ thuật do Nhà nước đặt hàng sẽ làm phong phú hơn đời sống văn học nghệ thuật, tạo điều kiện cho những đề tài đa dạng, cả mang tính thử nghiệm được xuất hiện, hỗ trợ cho các tài năng trẻ, phục vụ những nhóm khán giả yếu thế, ít được quan tâm trong xã hội. Sự đa dạng trong văn học nghệ thuật cũng quan trọng như đa dạng sinh học của thế giới tự nhiên, giúp cho tư duy, nhận thức, hưởng thụ và tiếp cận văn học nghệ thuật được phong phú hơn, từ đó có ích cho sự phát triển lâu dài và bền vững của văn học nghệ thuật.
GS - Nhà điêu khắc NGUYỄN XUÂN TIÊN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM:
Đừng xếp hàng tác phẩm như trưng bày trong cửa hàng
Ở một số quốc gia như Hàn Quốc, họ thiết kế không gian vườn tượng có khoảng cách đặt để tác phẩm, kiến tạo cảnh quan chung quanh tác phẩm, chứ không phải xếp hàng trong một góc công viên, nhìn thoáng qua như một cửa hàng trưng bày đồ mỹ nghệ, tượng điêu khắc. Việc đem tác phẩm điêu khắc ra không gian công cộng phải đảm bảo tính thẩm mỹ cộng đồng của tác phẩm. Và quan trọng hơn chính là các thủ tục pháp lý.
Ví dụ như khi đặt một tác phẩm tượng ở công viên, nếu phía quản lý văn hóa thấy phù hợp, nhưng phía quy hoạch kiến trúc, công ty cây xanh họ có ý kiến không đồng tình thì sao… Cần có một hội đồng riêng, có đủ chuyên gia từ điêu khắc, kiến trúc, hội họa, quy hoạch đô thị… và trực thuộc UBND thành phố để thừa lệnh bố trí việc đặt để, sắp xếp tượng ở không gian công cộng. Như vậy về mặt thủ tục sẽ nhanh hơn, không bị chồng chéo trong quản lý giữa các sở ban ngành.