Thực ra trước đó, khi cuốn sách có mặt trong danh sách bình chọn, thông tin về nội dung bị cho rằng phản cảm của tác phẩm đã xuất hiện trên nhiều trang mạng xã hội. Hiện dư luận đang đặt câu hỏi, vì sao một tác phẩm như vậy lại vượt qua nhiều vòng thẩm định, đoạt giải thưởng cấp quốc gia?
Sống sượng và dung tục
Cần nhắc lại, trước đó Chim ưng và chàng đan sọt cũng đã từng đoạt giải B Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 (2011-2015) của Hội Nhà văn Việt Nam (không có giải A). Tác phẩm đưa người đọc ngược trở lại thời Trần với hai nhân vật chính được gọi tên cho cuốn sách là Trần Khánh Dư và Phạm Ngũ Lão, trong bối cảnh cả dân tộc đang bước vào cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông.
Cách đây 2 năm, cũng cuốn tiểu thuyết này đã bị cuốn vào một cuộc tranh cãi về việc đạo văn. Theo đó, nhà văn Bùi Việt Sỹ tố cáo nhà văn Uông Triều khi viết tiểu thuyết Sương mù tháng giêng đã sao chép nhiều đoạn trong tác phẩm của mình. Cuộc tranh cãi có lúc trở nên cực kỳ căng thẳng, đến mức Hội Nhà văn Việt Nam phải tổ chức cho cả hai tác giả đối chất nhau. Dù mọi việc sau đó tạm lắng, nhưng qua cuộc tranh cãi này, bạn đọc đã quan tâm đến cả hai tác phẩm và đã bất ngờ, sau đó là bất bình nhận xét rằng những đoạn miêu tả tình dục đầy “sống sượng” và “dung tục”. Tiêu biểu như đoạn miêu tả cảnh quan hệ tình dục giữa nhân vật Trần Khánh Dư với công chúa Thiên Thụy (trang 37), có độc giả đã cho rằng, chẳng khác nào “dâm thư”.
Việc tác phẩm Chim ưng và chàng đan sọt liên tiếp nhận được các giải thưởng cho thấy, về mặt nghệ thuật, tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao. Ngay nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trước dư luận về các chi tiết phản cảm trong tác phẩm, từng cho rằng: “Chi tiết không ảnh hưởng đến chủ đề tư tưởng tác phẩm cũng như làm mờ phẩm cách, khí tiết của danh tướng sau này. Tiểu thuyết là nơi nhà văn phát huy trí tưởng tượng, để độc giả hình dung sinh động về giai đoạn lịch sử”. Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh, cảnh ái ân trong tác phẩm được tác giả đẩy cao là có mục đích chứ không phải để câu khách. Nó giúp bạn đọc hiểu được lý do vì sao sau này Trần Khánh Dư chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của vua Trần(?!)
Khác với các dòng tiểu thuyết khác, dòng tiểu thuyết lịch sử vốn được xem là rất nhạy cảm, đặc biệt trong việc sáng tạo các chi tiết, bởi nhân vật trong tiểu thuyết thường là những con người có thật, sự kiện có thật và đa số các nhân vật trung tâm là các anh hùng dân tộc. Do đó, khi sáng tạo lại chi tiết cho các nhân vật này, đòi hỏi nhà văn phải có sự cảm thụ về lịch sử, ngòi bút khéo léo để tránh gây phản cảm cho bạn đọc khi tái hiện các nhân vật lịch sử vốn đã rất quen thuộc. Thực tế, đã có không ít tác phẩm khi cố làm mềm các nhân vật lịch sử đã sa vào việc trần trụi, thô tục hóa các cá nhân. Có thể nói, sự khác biệt giữa nghệ thuật và sự dung tục trong các trường hợp này là rất mong manh và hoàn toàn dựa vào tài năng của tác giả. Như trường hợp Chim ưng và chàng đan sọt, chính tác giả khẳng định: “Tôi thấy tác phẩm không hề dung tục, những tranh cãi tùy thuộc vào tiếp nhận của mỗi độc giả”. Tuy nhiên, đây là một tác phẩm phổ biến, đoạt giải thưởng lớn mang tầm quốc gia và với những phản ứng tiêu cực của bạn đọc vừa qua, có thể nói, tác phẩm thay vì mang đến góc nhìn mới, hấp dẫn hơn về lịch sử, thì lại tạo ra tâm lý ngược, gây ra sự phản cảm ở một bộ phận không nhỏ bạn đọc.
Được quyền “thoáng” với tiểu thuyết lịch sử?
Ngày 23-4, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, nhà văn Nguyễn Phan Hách, Trưởng tiểu ban Sách văn học, Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia, khẳng định: “Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử, không phải là truyện dành cho thiếu nhi. Cuốn sách của tác giả Bùi Việt Sỹ xoay quanh nhân vật chính Phạm Ngũ Lão - xuất thân nông dân, trở thành anh hùng. Bên cạnh đó, sách khắc họa chân dung của các vị tướng Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông. Cuốn sách từng được trao giải B cuộc thi viết tiểu thuyết giai đoạn 2011-2015 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Như vậy, cuốn sách đã đoạt giải thưởng cao và được hội chuyên ngành thẩm định. Ngoài ra, trong thời điểm mà người dân rành phim lịch sử Trung Quốc, sử Trung Quốc hơn sử trong nước thì việc xuất hiện những cuốn sách viết về các vị tướng lừng danh, về cuộc chiến chống quân Nguyên Mông của dân tộc cũng là yếu tố được cân nhắc. Tác giả Bùi Việt Sỹ cũng là một cây bút viết về lịch sử đang lên, vì thế giải thưởng cũng mang tính chất động viên, khích lệ. Từ hàng chục cuốn sách, chúng tôi đã cân nhắc, xem xét kỹ càng trước khi đi đến quyết định cuối cùng”.
Về những trang sách mô tả cảnh quan hệ tình dục của nhân vật Trần Khánh Dư với công chúa Thiên Thụy, khiến nhiều độc giả chỉ trích, cho rằng tác phẩm gợi dục với từ ngữ thô thiển, ông Phan Hách nói: Theo sử sách, theo tác giả lý giải thì Trần Khánh Dư nổi tiếng là có lối sống phóng túng. Tuy nhiên, cách viết của tác giả có lẽ phù hợp với văn phong hiện đại hơn là lịch sử. Tiểu thuyết thì đúng là cần sinh động, không nên đóng khung cứng nhắc quá sẽ không ra chất tiểu thuyết. Nhưng giá như khi tác giả miêu tả đoạn đó nhẹ nhàng hơn thì sẽ phù hợp với bối cảnh, với nhân vật.
Cũng theo ông Phan Hách, trong tiểu thuyết hiện đại, những đoạn miêu tả tình cảm “khủng khiếp” bằng mấy, song đúng là khi viết về người anh hùng dân tộc thì nên cân nhắc, cẩn trọng hơn. Tuy nhiên, nhà văn cũng cho rằng, với không khí cởi mở trong văn học hiện nay, cũng nên đánh giá tổng thể toàn bộ nội dung của cuốn sách và bỏ qua những đoạn chưa thực sự hợp lý ấy.
Như vậy, câu trả lời từ những người cầm cân nảy mực hạng mục “Sách hay” Giải thưởng Sách Quốc gia đã rõ. Đã có một “sự cởi mở hồn nhiên” khi tôn vinh một tiểu thuyết lịch sử chứa đựng những đoạn văn chương dung tục, khiến ai đọc qua cũng phải bất bình. Thêm một lần nữa, dư luận lại dậy sóng với công tác thẩm định của một loạt đơn vị quản lý văn hóa thông tin, khi trao giải thưởng vào tay tác phẩm phản cảm đến vậy!