Phát biểu đề dẫn, PGS-TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng tọa đàm là cơ hội học tập, quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; kiên quyết chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Trong bối cảnh hiện nay, ý nghĩa của tác phẩm Cần kiệm liêm chính vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự và có giá trị lý luận - thực tiễn sâu sắc. Những quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong tác phẩm chứa đựng những chỉ dẫn hết sức quý báu, có giá trị to lớn, sâu sắc, toàn diện cả về lý luận và thực tiễn.
Xoay quanh những nội dung này, nhiều ý kiến của các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu nêu rõ, bên cạnh những thành tựu đạt được của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, hiện với sự tác động của toàn cầu và mặt trái của kinh tế thị trường đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từ thực tiễn đó cho thấy, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 70 năm trong tác phẩm Cần kiệm liêm chính càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Quán triệt tư tưởng của Người, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ lãnh đạo phải nêu gương thực hành cần, kiệm, liêm, chính, kiên quyết chống tệ tham nhũng, quan liêu, xa dân...