Vẫn là phương tiện giao dịch chủ yếu
Ghi nhận thực tế tại một số chợ, trung tâm thương mại, hàng tạp hóa, nhà sách... cho thấy, phần lớn vẫn đang sử dụng túi ni lông để đựng hàng. Từ người bán hàng đến người mua hàng đều có thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy để đựng thực phẩm từ thịt, cá, rau quả các loại... Chị Hạnh, tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau củ quả ở chợ Đo Đạc, quận 2, TPHCM, tâm sự: “Biết là túi ni lông có thể không vệ sinh và không thân thiện với môi trường nhưng vì tiện lợi và giá cũng rẻ nên chúng tôi vẫn phải dùng. Thật tình cũng chưa nghe ai giải thích về tác hại và công dụng của loại túi ni lông thường và túi ni lông thân thiện với môi trường. Chúng tôi bán hàng còn không biết rõ ràng thì người mua có lẽ cũng không mấy ai biết”.
Theo các nhà khoa học, túi ni lông được làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm đến hàng ngàn năm mới bị phân hủy hoàn toàn. Sự tồn tại của túi ni lông thông thường trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi sẽ ngăn cản khí ôxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng; từ đó, khiến cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn, các nhà khoa học còn xác nhận rằng, đất và nước bị ô nhiễm bởi túi ni lông sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Bên cạnh đó, túi ni lông kẹt trong cống rãnh, kênh rạch còn làm tắc nghẽn, gây ứ đọng nước thải và ngập úng. Các điểm ứ đọng nước thải sẽ là nguồn sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh và làm mất mỹ quan đô thị.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, tỷ lệ người dân và tiểu thương tự giác tham gia việc giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy chưa cao, chỉ thực hiện theo phong trào do hạn chế về nhân lực và kinh phí tuyên truyền. Trong khi túi ni lông thân thiện môi trường có giá thành cao hơn túi ni lông khó phân hủy nên giới tiểu thương vẫn chuộng sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Các đơn vị sản xuất túi ni lông thân thiện với môi trường lại không đáp ứng được nhu cầu cung cấp mẫu túi đa dạng cho các cửa hàng nhỏ lẻ, tiểu thương ở chợ. Việc kiểm tra, xử phạt việc thực thi Luật Thuế bảo vệ môi trường chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng túi ni lông thân thiện với môi trường không thể cạnh tranh về giá với túi ni lông thông thường trên thị trường. Chưa có quy định chung về tiêu chuẩn, tiêu chí, chất lượng, mẫu mã đối với sản phẩm thân thiện môi trường, cách thức phân biệt túi ni lông thông thường và túi thân thiện để người tiêu dùng nhận biết. Do đó, mục tiêu giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010 không hoàn thành; việc thu gom và tái chế 50% khối lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt không thực hiện được.
Tăng cường nâng cao nhận thức
Nhiều ý kiến của các quận, huyện cho rằng, sử dụng túi ni lông đã trở thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của người dân nên việc hạn chế cần phải bắt đầu từ ý thức của người dân. Trong thời gian qua, các địa phương cũng đã chủ động ban hành kế hoạch tuyên truyền chương trình giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và lồng ghép chương trình tuyên truyền giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy vào chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; các chương trình giáo dục, phổ biến pháp luật liên quan đến lĩnh vực môi trường để nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Điển hình như tại quận 1, để tuyên truyền giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy, UBND quận 1 đã phát hơn 1.000 cẩm nang tuyên truyền về tác hại túi ni lông cho tiểu thương chợ Bến Thành; chiếu phim tuyên truyền về tác hại của túi ni lông khó phân hủy tại các chợ Tân Định, Bến Thành, Thái Bình; tổ chức lớp tập huấn “Giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy” và “Gặp gỡ trao đổi nhãn sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường”; tặng mẫu túi ni lông thân thiện cho tiểu thương của 6 chợ trên địa bàn quận (20kg/chợ). Tương tự, UBND quận 2 cũng tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng và thải bỏ túi ni lông đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn quận, thu hút 200 cá nhân, đơn vị tham gia. Hay huyện Cần Giờ cũng tập huấn cho 100 học viên là ban quản lý chợ, tổ trưởng ngành hàng, tiểu thương tiêu biểu tại các chợ về tác hại của túi ni lông khó phân hủy và thải bỏ túi ni lông đúng nơi quy định…
Theo TS Lê Văn Khoa, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, để giảm thiểu túi ni lông không thân thiện với môi trường, cần đẩy mạnh tuyên truyền tái sử dụng nhiều lần. Đồng thời, hạn chế cấp phép các cơ sở sản xuất mới. Mặt khác, cần trợ giá đối với sản phẩm ni lông tự hủy hoặc các sản phẩm sinh học, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức được tác hại của túi ni lông đối với môi trường và sức khỏe cho cộng đồng. Nhìn nhận về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cũng cho rằng điều quan trọng nhất là tìm giải pháp để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và đưa bao bì phân hủy sinh học vào ứng dụng thay thế cần nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước. Cũng theo bà Mỹ, Sở Công thương TPHCM đang nghiên cứu các quy định về đấu thầu và tiêu chí, kỹ thuật túi thân thiện môi trường, túi sử dụng nhiều lần (như độ dày, kích thước, khả năng phân hủy, hàm lượng kim loại…) để tổ chức phát túi, kêu gọi sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường đảm bảo tính chuyên môn, pháp lý.
Ghi nhận thực tế tại một số chợ, trung tâm thương mại, hàng tạp hóa, nhà sách... cho thấy, phần lớn vẫn đang sử dụng túi ni lông để đựng hàng. Từ người bán hàng đến người mua hàng đều có thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy để đựng thực phẩm từ thịt, cá, rau quả các loại... Chị Hạnh, tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau củ quả ở chợ Đo Đạc, quận 2, TPHCM, tâm sự: “Biết là túi ni lông có thể không vệ sinh và không thân thiện với môi trường nhưng vì tiện lợi và giá cũng rẻ nên chúng tôi vẫn phải dùng. Thật tình cũng chưa nghe ai giải thích về tác hại và công dụng của loại túi ni lông thường và túi ni lông thân thiện với môi trường. Chúng tôi bán hàng còn không biết rõ ràng thì người mua có lẽ cũng không mấy ai biết”.
Theo các nhà khoa học, túi ni lông được làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm đến hàng ngàn năm mới bị phân hủy hoàn toàn. Sự tồn tại của túi ni lông thông thường trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi sẽ ngăn cản khí ôxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng; từ đó, khiến cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn, các nhà khoa học còn xác nhận rằng, đất và nước bị ô nhiễm bởi túi ni lông sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Bên cạnh đó, túi ni lông kẹt trong cống rãnh, kênh rạch còn làm tắc nghẽn, gây ứ đọng nước thải và ngập úng. Các điểm ứ đọng nước thải sẽ là nguồn sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh và làm mất mỹ quan đô thị.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, tỷ lệ người dân và tiểu thương tự giác tham gia việc giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy chưa cao, chỉ thực hiện theo phong trào do hạn chế về nhân lực và kinh phí tuyên truyền. Trong khi túi ni lông thân thiện môi trường có giá thành cao hơn túi ni lông khó phân hủy nên giới tiểu thương vẫn chuộng sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Các đơn vị sản xuất túi ni lông thân thiện với môi trường lại không đáp ứng được nhu cầu cung cấp mẫu túi đa dạng cho các cửa hàng nhỏ lẻ, tiểu thương ở chợ. Việc kiểm tra, xử phạt việc thực thi Luật Thuế bảo vệ môi trường chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng túi ni lông thân thiện với môi trường không thể cạnh tranh về giá với túi ni lông thông thường trên thị trường. Chưa có quy định chung về tiêu chuẩn, tiêu chí, chất lượng, mẫu mã đối với sản phẩm thân thiện môi trường, cách thức phân biệt túi ni lông thông thường và túi thân thiện để người tiêu dùng nhận biết. Do đó, mục tiêu giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010 không hoàn thành; việc thu gom và tái chế 50% khối lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt không thực hiện được.
Tăng cường nâng cao nhận thức
Nhiều ý kiến của các quận, huyện cho rằng, sử dụng túi ni lông đã trở thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của người dân nên việc hạn chế cần phải bắt đầu từ ý thức của người dân. Trong thời gian qua, các địa phương cũng đã chủ động ban hành kế hoạch tuyên truyền chương trình giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và lồng ghép chương trình tuyên truyền giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy vào chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; các chương trình giáo dục, phổ biến pháp luật liên quan đến lĩnh vực môi trường để nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Điển hình như tại quận 1, để tuyên truyền giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy, UBND quận 1 đã phát hơn 1.000 cẩm nang tuyên truyền về tác hại túi ni lông cho tiểu thương chợ Bến Thành; chiếu phim tuyên truyền về tác hại của túi ni lông khó phân hủy tại các chợ Tân Định, Bến Thành, Thái Bình; tổ chức lớp tập huấn “Giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy” và “Gặp gỡ trao đổi nhãn sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường”; tặng mẫu túi ni lông thân thiện cho tiểu thương của 6 chợ trên địa bàn quận (20kg/chợ). Tương tự, UBND quận 2 cũng tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng và thải bỏ túi ni lông đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn quận, thu hút 200 cá nhân, đơn vị tham gia. Hay huyện Cần Giờ cũng tập huấn cho 100 học viên là ban quản lý chợ, tổ trưởng ngành hàng, tiểu thương tiêu biểu tại các chợ về tác hại của túi ni lông khó phân hủy và thải bỏ túi ni lông đúng nơi quy định…
Theo TS Lê Văn Khoa, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, để giảm thiểu túi ni lông không thân thiện với môi trường, cần đẩy mạnh tuyên truyền tái sử dụng nhiều lần. Đồng thời, hạn chế cấp phép các cơ sở sản xuất mới. Mặt khác, cần trợ giá đối với sản phẩm ni lông tự hủy hoặc các sản phẩm sinh học, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức được tác hại của túi ni lông đối với môi trường và sức khỏe cho cộng đồng. Nhìn nhận về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cũng cho rằng điều quan trọng nhất là tìm giải pháp để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và đưa bao bì phân hủy sinh học vào ứng dụng thay thế cần nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước. Cũng theo bà Mỹ, Sở Công thương TPHCM đang nghiên cứu các quy định về đấu thầu và tiêu chí, kỹ thuật túi thân thiện môi trường, túi sử dụng nhiều lần (như độ dày, kích thước, khả năng phân hủy, hàm lượng kim loại…) để tổ chức phát túi, kêu gọi sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường đảm bảo tính chuyên môn, pháp lý.