Trước đó, vào tháng 12-2020, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một nam sinh học cấp 3 bị ngộ độc cấp tính sau khi sử dụng TLĐT, với các triệu chứng như mất kiểm soát, kích thích vật vã, loạn thần. Tháng 3-2021, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận một nam thanh niên 23 tuổi nhập viện trong tình trạng ảo giác, hoang tưởng, kích động dữ dội sau khi dùng TLĐT.
TLĐT có hương vị hấp dẫn, lại được thiết kế khá ấn tượng tạo trào lưu và phong cách hướng đến giới trẻ. Vì thế, dần dần TLĐT được mọi người biết đến, sử dụng phổ biến hơn và ngày càng trẻ hóa đối tượng sử dụng.
TLĐT gây ra một số tác hại như gây nghiện, gia tăng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, gia tăng các bệnh tim mạch (đặc biệt là bệnh mạch vành), gia tăng các bệnh ung thư: phổi, vòm họng, thanh quản... Riêng đối với trẻ em và phụ nữ mang thai, nicotine trong TLĐT gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, đồng thời ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây ra sinh non và thai chết lưu.
Điều đáng lo ngại hiện nay là việc quảng cáo và mua bán TLĐT không được kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Những câu quảng cáo: “TLĐT sẽ trở thành văn hóa hút thuốc lành mạnh trong tương lai”, với hình ảnh giới thiệu người hút TLĐT có thể hút ở mọi nơi đã đánh vào tâm lý giới trẻ chưa từng hút thuốc lá.
Thực tế cho thấy, TLĐT đang xâm nhập vào các trường học, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, sinh viên, đồng thời gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội. Để bảo vệ sức khỏe của người dân, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý những cá nhân, tổ chức buôn bán và sử dụng TLĐT. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường cũng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của TLĐT để giới trẻ nâng cao nhận thức, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.