Đến bây giờ, ở Việt Nam vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào làm rõ xem bình quân mỗi ngày một trẻ em Việt Nam dành bao nhiêu thời gian xem truyền hình và truy cập mạng, và bình quân các em tiếp xúc với bao nhiêu hình ảnh, lời nói mang tính bạo lực.
Các kết quả nghiên cứu quốc tế luôn chứng minh có mối quan hệ tương quan giữa bạo lực trên truyền thông, trên mạng với bạo lực trong đời thực ngoài xã hội. Ảnh hưởng của bạo lực trên truyền thông, trên mạng đến hành vi bạo lực ngoài đời thực diễn ra ở ngắn hạn lẫn dài hạn.
Tác động kế tiếp là các hành vi bạo lực trên phim ảnh, trên mạng sẽ kích thích, thúc đẩy ham muốn bạo lực nơi người xem; nếu xem quá nhiều những hình ảnh bạo lực này thì dễ thực hiện các kiểu hành vi ấy trong đời thực.
Về dài hạn, việc thường xuyên xem những hành vi bạo lực sẽ dẫn đến tình trạng trơ cảm xúc, tức là dần dần người xem sẽ thấy bình thường, chứ không thấy ghê rợn như lúc ban đầu. Sự trơ lì cảm xúc trước hành vi bạo lực sẽ là một yếu tố dẫn đến hành vi bạo lực trong thực tế. Đồng thời, các hành vi bạo lực trên mạng, phim ảnh dần dần sẽ được các bạn trẻ nhập tâm, thành một phần trong tiềm thức, khi gặp một tình huống trong đời thực tương tự như những thứ các em đã xem thì các em sẽ diễn lại các hành vi đó một cách rất bộc phát.
Bên cạnh đó, việc truyền thông mạng hoặc truyền thông đại chúng truyền thống như truyền hình chẳng hạn cứ chuyển tải những hành vi bạo lực, lối sống giang hồ, sẽ dần dần khiến người xem, đặc biệt là giới trẻ cho rằng những hành vi ấy là hợp pháp, bởi vì chúng được chiếu, được đăng tải cho mọi người xem. Và, vì nghĩ chúng là hợp pháp nên việc các em thực hiện lại các hành vi đó trong đời thực là điều rất dễ xảy ra.
Vì vậy, cần phải ngăn chặn các hình ảnh, hành vi bạo lực trên không gian mạng lẫn các chương trình truyền hình. Không thể để những hình ảnh bạo lực tự do thể hiện, truyền bá như thời gian vừa qua được. Bản thân mỗi người cũng cần có một bộ lọc trong nhận thức của mình, không xem để không bị tiêm nhiễm, dẫn đến những hành vi bạo lực trong cuộc sống thực.