Nghệ sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, có bút danh khác là Y Na (được dùng trong một vài sáng tác thời kháng chiến chống Mỹ). Ông sinh năm 1930, quê ở Hà Nội. Nhiều người tò mò về bút danh Hoàng Vân, ông kể: Trong kháng chiến chống Pháp, khi đơn vị ông lãnh nhiệm vụ chặn đường quân Pháp ở núi Fansipan (trong dãy Hoàng Liên Sơn, tỉnh Lao Cai), nằm chờ giặc trong ánh nắng chiều vàng, ông chợt nhớ câu thơ: Hoàng vân cố tư gia hương (Áng mây vàng gợi nhớ quê nhà). Ông lấy ngay 2 chữ Hoàng Vân làm bút danh từ đó. Còn bút danh Y Na là do thời chống Mỹ, một số nhạc sĩ thường dùng bút danh lạ để giữ bí mật khi sáng tác cho miền Nam. NS Hoàng Vân dùng bút danh nghe có vẻ Tây Nguyên để viết bài Tiếng cồng giải phóng, tiếng cồng chiến thắng. Y Na được ghép từ 3 chữ đầu của 3 từ “Yêu Ngọc Anh”. Ngọc Anh là tên người bạn đời của ông.
Khi kháng chiến chống Pháp nổ ra, Hoàng Vân dù còn tuổi thiếu niên, nhưng đã tham gia làm liên lạc viên. Sau đó, ông vào học Trường Sĩ quan Lục quân 1, ra trường được xếp vào các đơn vị bộ đội, có lúc làm chính trị viên, có thời gian phụ trách nghệ thuật văn công Sư đoàn 312. Lúc đó ông đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc của mình... Sáng tác nổi tiếng nhất của NS Hoàng Vân thời kỳ này là Hò kéo pháo. Cuối năm 1953, khi công cuộc chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, bộ đội, dân công, vũ khí, lương thực, thực phẩm ùn ùn ra chiến trường, bài Hò kéo pháo ra đời trong bối cảnh đó. Trước bài này, ông có một số bài như Tin chiến thắng (năm 1951), Chiến thắng Tây Bắc (năm 1952). Hòa bình lập lại, NS Hoàng Vân được cử đi học âm nhạc tại Trung Quốc). Ông học 6 năm, năm 1960 về nước và công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó cũng là thời kỳ nở rộ về sáng tác âm nhạc của ông với những sáng tác như: Bài thơ gửi Thái Nguyên, Tôi người thợ lò, Nhớ, Tâm tình người thủy thủ… Ông cũng có những bài trữ tình rất hay và đẹp.
Khi địch đưa máy bay ra đánh phá miền Bắc, NS Hoàng Vân đã sáng tác một loạt bài nổi tiếng như Không cho chúng nó thoát, Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng, Tiếng cồng giải phóng, tiếng cồng chiến thắng, Người chiến sĩ ấy... Nổi bật hơn hết là những ca khúc ông viết về các vùng đất anh hùng sản xuất giỏi, đánh giặc hay, như Quảng Bình quê ta ơi!, Nổi trống lên, rừng núi ơi!, Cô gái Thái Bình, cô gái Việt Nam, Bài ca Vĩnh Linh, Hò Huế chiến thắng…
NS Hoàng Vân còn viết về tình đoàn kết Bắc - Nam như Hà Nội - Huế - Sài Gòn (lời Lê Nguyên và Hoàng Vân), Hai chị em...
Ngoài ca khúc, ở thể loại thanh nhạc, NS Hoàng Vân cũng có những hợp xướng khá thành công như Bài thơ gửi Thái Nguyên, Hồi tưởng, Việt Nam muôn năm… đã được Ban ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam trình diễn hoành tráng. Sau ngày đất nước thống nhất, NS Hoàng Vân tiếp tục cho ra đời những ca khúc gây nhiều ấn tượng như Tình yêu của đất và nước, Tình ca Vũng Tàu, Tình ca Tây Nguyên, Hát về cây lúa hôm nay…
NS Hoàng Vân còn viết nhiều ca khúc thiếu nhi rất được yêu thích như Ca ngợi Tổ quốc, Em yêu trường em, Con chim vành khuyên, Mùa hoa phượng nở… Về khí nhạc, ông có những tác phẩm đáng chú ý như bản giao hưởng thơ Thành đồng Tổ quốc ca ngợi con người và mảnh đất miền Nam anh hùng; vũ kịch Chị Sứ..., ngoài ra còn có các bản concerto cho piano và dàn nhạc giao hưởng, bản fugue cho piano, bản tổ khúc cho oboe và piano…
Chúng ta đều biết ca khúc Quảng Bình quê ta ơi! được quần chúng cả nước yêu thích, nhưng có lẽ nhân dân Quảng Bình yêu thích nhất. Khi bài hát này vang lên, nhân dân Quảng Bình lại càng thêm tự hào về quê hương tươi đẹp, anh hùng của mình và càng quyết tâm Giữ lấy đất trời của quê hương ta/Giữ lấy những gì mà ta yêu quý như những ca từ của bài hát.