Mới đây, bà ra mắt cuốn sách Cùng kiến tạo không gian văn hóa (NXB Tổng hợp TPHCM). Sách tập hợp 38 bài viết theo thể chính luận, tập trung luận bàn về phương diện văn hóa của TPHCM.
- PHÓNG VIÊN: Vì sao mối bận tâm lớn nhất của bà trong giai đoạn này lại dành cho văn hóa?
* Bà PHẠM PHƯƠNG THẢO: Có lẽ, văn hóa là lĩnh vực mà tôi dành sự quan tâm nhiều nhất, cả trong những năm tháng còn làm việc và cho đến bây giờ. Trong quá trình hoạt động, nhiều vấn đề đặt ra, nhiều vấn đề được cọ xát, rồi việc gặp gỡ các chuyên gia, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực này, có rất nhiều điều khiến cho mình luôn trăn trở và tâm đắc. Cách đây hai năm, tôi có ra mắt cuốn sách Chuyện về ứng xử văn hóa. Những câu chuyện văn hóa của năm nay cũng là sự tiếp nối mạch suy nghĩ ấy.
- Theo bà, văn hóa có ý nghĩa như thế nào đối với một thành phố, rộng lớn là với quốc gia?
* Văn hóa là vấn đề thực sự lớn và quan trọng, nhất là việc phát huy truyền thống, bản sắc. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, chúng ta phải quan tâm đầy đủ hơn nữa, không chỉ quan tâm đến kinh tế, tăng trưởng GDP mà còn phải quan tâm đến “GDP văn hóa”, quan tâm đến xây dựng phẩm cách con người Việt Nam hay con người TPHCM nói riêng. Giống như nhiều người đã nói, nếu không có sự quan tâm kịp thời và đúng mực, sẽ dễ bị xâm lăng văn hóa. Hiện nay chúng ta đã có nhiều nghị quyết, gần đây là Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, nhưng triển khai thực hiện thì chưa được như mong muốn. Trong thời kỳ mới này, phải đặc biệt quan tâm đến văn hóa, nếu không, đời sống vật chất có thể lên nhưng văn hóa sẽ không theo kịp.
Trước đây, Bác Hồ đã từng nói, văn hóa phải ngang hàng với chính trị, kinh tế và xã hội, không phải đi sau mà phải đi cùng. Nhưng trong thực tế, chúng ta chưa có sự quan tâm đầy đủ, chưa đầu tư tương xứng cả về mặt chỉ đạo, lãnh đạo lẫn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho văn hóa. Ở các nước phát triển, chúng ta vẫn thấy họ rất quan tâm đến văn hóa, như Nhật Bản; hay một số nước có thể chấp nhận thu nhập bình quân đầu người không cao nhưng đó là một đất nước hạnh phúc, như Bhutan.
- Nếu phát triển văn hóa tương xứng với kinh tế sẽ mang lại cho TPHCM một diện mạo như thế nào?
* Tôi nghĩ diện mạo ấy sẽ thuyết phục được nhiều người, cả trong nước lẫn nước ngoài, bởi vì TPHCM có thế mạnh và nguồn lực để đưa văn hóa phát triển xứng tầm. Đây cũng là một trung tâm báo chí lớn, là nơi mà hoạt động văn học nghệ thuật rất sôi động, không thua kém gì các trung tâm của cả nước. Ở các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, thành phố có thị trường biểu diễn, có thị trường cho điện ảnh, quảng cáo, thời trang… Đây cũng là nơi thu hút các chuyên gia, các nhà hoạt động trên lĩnh vực văn hóa. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng cho rằng: “Dù trước đây, thành phố này được ví như Hòn ngọc Viễn Đông hay đầu tàu kinh tế cả nước nhưng việc thành phố được mang tên Bác Hồ vẫn rất đặc biệt”. Nội điều đó thôi cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ, bởi người ta đến đây để cảm nhận xem thành phố mang tên Bác Hồ có những đặc trưng văn hóa gì, chứ không đơn thuần chỉ là một trung tâm kinh tế.
- Trong cuốn sách của mình, bà cũng đặt ra vấn đề “bảo tồn và phát triển”, vốn là vấn đề gây tranh cãi trong thời gian qua. Liệu có cách nào để giải quyết bài toán này không, thưa bà?
* Bài toán này luôn luôn đặt ra và trong quá trình phát triển luôn có sự trả giá, bằng chứng là chúng ta đã đánh mất một số di sản của thành phố. Có thể nói, chúng ta vẫn chưa có sự quan tâm đầy đủ về vấn đề này. Điều này đòi hỏi các nhiệm kỳ lãnh đạo cần có sự tiếp nối, sự quan tâm dành cho những vấn đề liên quan đến quy hoạch, bảo tồn và phát triển trên cơ sở tính toán và cân nhắc kỹ. Cũng như phải có chính sách để bảo tồn di sản văn hóa. Nếu không thì cao ốc cứ mọc lên và ngược lại, có một số công trình di sản mất đi.
Nếu chỉ tập trung cho phát triển mà không tính kỹ việc bảo tồn thì sẽ làm mất đi hồn cốt của thành phố, làm cho thành phố mất “trí nhớ”, không còn bản sắc, thế hệ sau sẽ không thể hình dung ra được thành phố trước đây như thế nào. Điều này rất đáng tiếc. Mặc dù có một số di tích đã không còn nữa, nhưng khách quan nhìn nhận thì cũng có một số công trình chúng ta đã cố gắng bảo vệ, trùng tu được. Chúng ta cũng đã tạo cơ hội cho tư nhân làm bảo tàng, cùng với đó là những chính sách cho nó. Sắp tới chúng ta cần có sự quan tâm đầy đủ hơn.
- Bà vừa nói đến “thành phố mất trí nhớ, không có bản sắc”. Điều này quan trọng như thế nào, nhất là với thế hệ sau?
* So với Hà Nội, các công trình di sản văn hóa ở TPHCM không nhiều nhưng cũng có, nhiều công trình được công chúng quan tâm và thành phố đã bảo tồn được, nâng cấp lên như tòa nhà trụ sở UBND TPHCM, Dinh Thượng Thơ, Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà… Nhiều nơi mình đã lập danh sách bảo tồn nhưng cũng chưa có chính sách để giữ gìn những công trình đó cho tốt. Mình phải có chính sách để gìn giữ, như một số nước trên thế giới họ chia theo tỷ lệ 7:3, 6:4 giữa nhà nước và nhân dân để giữ và phát huy một công trình nào đó. Hay như chính sách trưng mua một số công trình… Đây là những vấn đề mà thiết nghĩ lãnh đạo hiện nay và trong thời gian tới cần xem xét đầu tư nhiều hơn.
Ký ức thành phố rất quan trọng, cho người dân của thành phố cũng như khách du lịch. Giờ đây, nhiều góc phố của chúng ta cũng hiện đại chẳng thua kém gì một thành phố nào đó ở châu Âu, nhưng cái chúng ta cần là thật sự giàu bản sắc, là những gì gắn bó với đất nước, con người thành phố, gắn với bề dày lịch sử cần được nâng niu, gìn giữ và phát huy. Làm sao sự phát triển phải hài hòa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Điều đó thể hiện tầm nhìn, sự quy hoạch và sự phát triển, nó có ích cho thế hệ trẻ.