Anh cũng là Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19, trực thuộc Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vừa rồi.
PGS-TS LÊ MINH KHÔI: Tôi không gặp phải một áp lực nào trong việc ra sách, mọi sự đến với tôi đều tự nhiên, không có kế hoạch là xong cuốn đầu tiên thì phải ra cuốn thứ hai, thứ ba. Thời điểm làm việc ở “phía Tây thành phố”, tôi đã và đang trải qua rất nhiều cảm xúc, cần phải có một chỗ lưu giữ. Tình cờ, BTV Hoàng Dạ Thư của NXB Trẻ đang đi tìm bản thảo. Sau khi trao đổi, nghĩ rằng mình cần có một cái gì đó để cảm ơn các đồng nghiệp nên tôi bắt tay làm. Cuốn sách chính là món quà gửi đến các bạn sau khi hoàn thành nhiệm vụ, như là lời cảm ơn của tôi dành cho họ.
Trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, nhiều người đã không thể viết được gì. Còn anh, ở giữa tâm dịch nhưng vẫn viết được. Phải chăng vì anh có một “thần kinh thép”?
Tôi cũng chỉ là người trần mắt thịt thôi, đâu có gì mà gọi là “thần kinh thép”. Vào trong đó, tôi cũng thấy mất mát, lo lắng và nhiều lúc thấy tuyệt vọng nữa. Tuy nhiên, khi đối mặt rồi, tôi tự nhắc nhở mình phải mạnh mẽ, tìm động lực để vượt qua tâm lý đó. Khi vào trung tâm hồi sức, tôi là người chịu trách nhiệm từ tổ chức, vận hành chuyên môn đến người nhà bệnh nhân rồi quan hệ bên ngoài. Dưới tôi là các bạn trẻ, nếu mình “sập” thì mọi thứ sẽ đổ, nên lúc đó mình phải là một cái cây thực sự vững vàng, an nhiên.
Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh đời rất kinh khủng mà nếu người nào không vững vàng sẽ bị ám ảnh vô cùng. Nhưng tôi nghĩ, đó là một biểu hiện của sự sống và mình phải chấp nhận. Điều quan trọng nhất là mình phải chấp nhận mới sống nổi và sống tiếp được; nếu không vĩnh viễn sau này mình sẽ không dám làm nữa, PGS-TS LÊ MINH KHÔI |
Trong Phía Tây thành phố, ngoài những bài viết cách đó mấy năm, rất nhiều bài được hoàn thành ngay trong tâm dịch. Ở trong đó, anh viết vào lúc nào?
Thời điểm đó, trên bàn làm việc của tôi có 3 màn hình máy tính, một để coi camera, một để trao đổi Zalo, Viber giữa các nhóm làm việc, coi bệnh án điện tử và một dùng riêng cho mình. Có nhiều lúc thực sự rất căng thẳng, nhưng tôi nhận ra nếu mình căng thẳng như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề, tôi buộc chuyển sang làm việc khác để đầu óc thoải mái hơn, sau này giải quyết công việc dễ hơn. Và viết chính là giải pháp lúc đó, dù thực sự thời gian viết của tôi rất ít.
Hành trình trở thành Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19 trong đợt dịch vừa rồi của anh thế nào?
Tôi còn nhớ, lúc 9 giờ ngày 1-8-2021 nhận nhiệm vụ, ngay trong tối đó, tôi về lập kế hoạch để các phòng ban chuẩn bị và sáng hôm sau lên đường. Sau 12 giờ, chúng tôi đã lập được trung tâm hồi sức. Thật mừng là tôi đã kêu gọi được rất nhiều bạn trẻ, các bạn không phải là số 1, giỏi về chuyên môn nhưng đã hoàn thành công việc của mình rất tốt. Họ đồng hành với tôi từ ngày đầu đến hết thời gian tồn tại của trung tâm.
Tâm huyết và quyết tâm của anh rất cao. Nhưng đi vào một nơi căng thẳng và đầy nguy hiểm, anh có gặp phải vướng bận gì từ gia đình?
Đúng là có vướng. Chẳng hạn vợ tôi dù rất lo sợ, nhưng cô ấy không thể nói ra được vì cô ấy cũng là nhân viên y tế. Sau này, vợ tâm sự tôi mới biết, còn lúc đó chỉ động viên. Thực ra, tôi nghĩ mình sẽ không chết, tự nhiên tôi có niềm tin như vậy. Nhưng cuộc sống mà, không ai nói trước được điều gì. Chính vì vậy, lúc đó tôi dặn vợ 2 việc để đỡ phải rối sau này: Nếu tôi có chết, tôi muốn cô ấy phải có chồng liền vì ở tuổi này, trễ 1-2 năm sẽ không còn cơ hội. Việc thứ hai là không chôn mà giữ xác rồi thiêu. Khi tình hình ổn thì thả tro xuống sông Hồng, sông Trà Bồng, sông Hương và sông Cửu Long, mỗi nơi một chút, để sau này con cái có đi học ở đâu cũng không cần phải về thăm mồ mả của ba chúng.
Nhìn lại thời gian ấy, điều đọng lại sâu đậm nhất trong anh là gì?
Những kỷ niệm trong thời gian ở trung tâm hồi sức thực sự rất đau lòng, nhiều mất mát nhưng hỏi tôi có ám ảnh thì không. Là bởi vì, tôi nghĩ cái gì tới phải tới, không thể nào tránh được; cái gì đã qua - không phải là mình quên đâu, nhưng mình hãy coi nó như là một bài học và mình phải trải qua. Để làm gì? Để tinh thần của mình có đủ mạnh mẽ làm tiếp những công việc ở phía trước. Giống như hồi trước, tôi đã quan tâm đến việc đào tạo cho các tuyến y tế cơ sở hoặc các BV tuyến dưới nhưng lúc đó cũng chưa nhiều lắm. Đi qua đợt dịch, tôi nghĩ mình phải dành phần đời còn lại để làm những việc thiết thực và có ý nghĩa hơn nữa.
“Trong thâm tâm, đối với riêng tôi thì nghề y vẫn là nghề thiêng liêng nhất”, anh đã viết vậy trong bài Ngày 27 tháng 2 để làm gì? Nếu quay trở lại thuở 18 tuổi, cậu học sinh chuyên văn Lê Minh Khôi vẫn chọn thi vào Trường Đại học Y Dược Huế chứ?
Nếu bây giờ được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề y. Còn trước đây, tôi bị gia đình ép chứ tôi không chủ động lựa chọn. Hồi đó, khi học xong chuyên văn, mơ ước của tôi là trở thành phóng viên. Tôi muốn đi châu Phi, Ấn Độ… để trải nghiệm. Nhưng sau đó, cha tôi bảo: “Khôi, con học được Toán, Hóa, Sinh thì thi y đi”. Nghe lời cha, tôi làm hồ sơ thi vào Trường Đại học Y Dược Huế. Tôi nghĩ đó là cái duyên chứ không phải do cha mình đã có quyết định đúng.