PHÓNG VIÊN: Là người từng viết nhiều tác phẩm về đề tài anh hùng cách mạng, cuốn sách này có những điều gì khác biệt so với nhiều cuốn sách của anh trước đây?
Tác giả NGUYỄN QUANG CHÁNH: Ngay trong buổi giao lưu ra mắt sách Kể chuyện cụm tình báo H.63 anh hùng, tôi đã hứa với mọi người rằng, tôi sẽ ra mắt nhiều cuốn sách nữa về những người anh hùng vì những tư liệu, câu chuyện của họ đầy ăm ắp trong tôi, và mạch suy nghĩ về chuỗi đề tài này đang đầy cảm hứng, kể mãi chưa hết chuyện…, rất nhiều người anh hùng trên nhiều lĩnh vực có những câu chuyện ghi dấu ấn sâu sắc trong tôi. Những cuốn sách tôi viết thường mang dáng dấp là người kể chuyện. Sau Kể chuyện cụm tình báo H.63 anh hùng, tôi định viết cuốn sách kể về những người anh hùng khác. Vậy nhưng sau khi ngồi cùng họa sĩ thiết kế, hai anh em nảy sinh ý tưởng khác, tại sao không để chính những người cạnh họ, đồng đội, người thân kể lại về những người anh hùng. Và tôi liên tưởng đến một nhà văn Nga - Valentin Rasputin, ông có tác phẩm rất hay viết về đại chiến thế giới lần thứ 2: Sống mà nhớ lấy. Tôi nghĩ cuốn sách của mình rất phù hợp với tựa đề: Sống để kể lại những anh hùng. Tại sao lại là “kể lại” mà không phải là “kể về”? Vì tôi mong những câu chuyện về anh hùng có được sự lan tỏa, sự tiếp nối từ người này qua người khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác, đặc biệt là đến được với trái tim thế hệ trẻ.
"Sống để kể lại những anh hùng của tác giả Nguyễn Quang Chánh ghi chép chân thực về những người Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, hy sinh oanh liệt. Qua những câu chuyện kể của người trong cuộc rất chân thực và hết sức xúc động, những người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ bình dị ở các quân binh chủng, từ đặc công, biệt động, tình báo, bộ binh cho tới không quân đã vào trận và lập công xuất sắc, vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh để đánh thắng giặc Mỹ và bè lũ tay sai. Những tấm gương dũng cảm ấy cần được kể lại nhiều hơn nữa để lan tỏa trong đông đảo mọi người dân Việt Nam, nhất là trong giới trẻ, qua đó để lớp lớp thanh niên tự hào và biết ơn các thế hệ cha anh đã chiến đấu kiên cường, hy sinh xương máu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước"- Đại tướng PHẠM VĂN TRÀ Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Có những trang sách trong tác phẩm này, anh viết khi không kìm nén được cảm xúc, trào rơi nước mắt. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về những trang sách, những câu chuyện cảm động ấy?
Thật sự với nhiều nhân vật tôi được gặp, tôi đều được nghe những hoàn cảnh, những câu chuyện hết sức khó khăn mà nếu không bằng một ý chí phi thường, khó mà vượt qua được. Ví dụ như, khi tôi viết về anh hùng Bảy Ước, câu chuyện được con của chú kể lại theo lời kể của ba, khi máy bay Mỹ bắn vào trạm xá Trung đoàn 10, trong đó có cô Mến, vợ của chú. Ông chạy ra, chứng kiến cảnh ấy chỉ có thể ngồi thụp xuống, bó gối kêu lên: “Trời ơi!”. Hay cảnh những lúc ông đi tìm đồng đội hy sinh mà không thể tìm ra vì đã bị cá sấu Rừng Sác ăn hết rồi. Nỗi đau chứng kiến đồng đội hy sinh hai lần, đầy trống trải và khốc liệt. Khi viết đến đó, tôi cố hình dung nếu ở cảnh đó mình sẽ thế nào, và rưng rưng đi theo nỗi đau của nhân vật. Còn chuyện của cô Võ Thị Tâm, Trung đoàn 31 của cô do ông Hai Hoàng chỉ huy tham gia đợt 2 Mậu Thân 1968.
Cầm cự đánh nhau với địch ở khu chợ Thiếc, quận 11, quận 6 gần cả tháng trời. Pháo địch bắn nát mấy khu nhà mà họ ẩn náu. Cô Tâm bị thương và bị vùi lấp trong đống đổ nát, tỉnh dậy thấy con mắt trái lòi ra ngoài, bê bết máu. Cô dùng tay đẩy con mắt ấy vô lại hố mắt sau bao nhiêu lần chịu đau đớn. …
Còn Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tư Cang kể cho tôi nghe về chính người em trai của ông, hy sinh ở Bà Rịa, Mậu Thân năm 1968. Do bị chỉ điểm, vị trí hầm trú ẩn của toàn bộ cán bộ lãnh đạo xã Long Phước bị lộ, tất cả quyết định hy sinh tập thể chứ không đầu hàng. Vì khi bị bắt lên, có thể xảy đến tình huống không hay về sau gây ảnh hưởng đồng đội, tổ chức của mình. Có một nữ đồng chí sợ quá bỏ chạy ra khỏi hầm, bị bắt và trao trả sau này, về kể lại thì anh em mới biết rõ hoàn cảnh hy sinh tập thể này. Tôi đã đọc nhiều trang sách viết về chiến tranh nhưng không thấy sự khốc liệt ở đó như chính từ những câu chuyện mình được nghe kể. Chính vì thế mà tôi mong muốn chia sẻ những câu chuyện ấy qua trang viết của mình.
Điều gì khiến anh, một người luôn nhận mình “tay ngang” với văn chương, báo chí lại có động lực cầm bút và ra mắt những cuốn sách viết về đề tài chiến tranh cách mạng - chỉ nhìn qua thôi cũng thấy rằng lắm công phu?
Tôi không phải nhà văn, trước đây tôi có cộng tác viết báo nhưng không chuyên về công việc này. Tuy vậy, từ những cuộc gặp tình cờ với những người anh hùng như chú Bảy “phi công”, chú Tư Cang…, được nghe câu chuyện của họ quá hay nên dù không phải nhà văn, nhà báo, không có khả năng viết bóng bẩy, tôi vẫn mong muốn được viết lại. Viết theo cách nghe sao viết lại như thế, giản dị và chân thành. Tôi hiểu rằng, nếu viết bóng bẩy quá thì nội dung câu chuyện và những nhân vật của mình đều không còn thật với những gì mình được nghe, vì thế tôi chọn cách viết trung thực, không bình luận nhiều. Tôi chỉ là người ghi lại, mọi thứ phía sau cần để cho chính nhân vật, chính câu chuyện tự bật lên. Tôi viết trước hết để thể hiện sự biết ơn, quý mến của mình với những người anh hùng tôi được gặp, viết để lưu giữ cho mình, cho con cháu mình, sau là cho người thân, bạn bè, có điều kiện hơn nữa thì sẽ in sách để lan tỏa rộng hơn, chính thống hơn.