Trong đó, Nguyên Phương luôn dành sự quan tâm và chú trọng cho việc sáng tác và chuyển thể các tác phẩm sân khấu mang đậm bản sắc văn hóa lịch sử nước nhà.
Tác giả Nguyên Phương tên thật là Dương Thanh Đề, sinh năm 1993, quê ở Bạc Liêu. Sinh ra trong gia đình có niềm đam mê với đờn ca tài tử, nên từng câu hò, câu dân ca, điệu lý, những bài bản tài tử cải lương đậm chất Nam bộ cứ thế thấm dần vào tâm thức của Nguyên Phương từ những ngày còn bé. Đến tuổi trưởng thành, sau khi tham gia nghĩa vụ quân sự trở về, Phương khăn gói lên TPHCM, theo học tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM, chuyên ngành diễn viên khoa Kịch hát dân tộc.
Trong những năm theo học, Nguyên Phương thể hiện sở trường các vai kép lão, như vai Phê trong vở Khi người điên biết yêu, ông thầy tuồng - bầu gánh hát trong Miền nhớ, Trần Thủ Độ trong Đời luận anh hùng...
Cũng trong thời gian này, anh bắt đầu viết tiểu phẩm để dàn dựng tiết mục thi diễn cho mình và các bạn cùng lớp. Nhận thấy năng lực của Phương ở lĩnh vực này, thầy chủ nhiệm - NSƯT Lê Nguyên Đạt đã khuyến khích, giúp anh mạnh dạn chăm chút và phát huy nghề viết nhiều hơn trong quá trình học tập, rèn luyện.
Đến nay, Nguyên Phương đã cho ra đời hơn 90 bài ca cổ và 22 vở diễn chuyển thể cải lương, kịch bản mới viết cho cải lương và kịch nói, trong đó có kịch bản huyền sử Truyền tích Cổ Loa xưa và nhạc kịch dân ca Lá cờ thêu sáu chữ vàng (tham gia Liên hoan Nghệ thuật sân khấu thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2024), kịch hài Thần Kê đại hiệp, Thần Tài...
Anh còn thực hiện chuyển thể cải lương các vở: Nhật thực (tác giả Lê Duy Hạnh, vở diễn tham gia Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế), Đối thoại Lý Chiêu Hoàng (tác giả Lê Duy Hạnh), Mùa hạ cuối cùng (tác giả Lưu Quang Vũ)...
Nguyên Phương rất chịu khó sưu tầm và dành nhiều thời gian để đọc các sách về văn hóa lịch sử nước nhà, đồng thời tìm hiểu tài liệu sử Việt từ nhiều nguồn để có được cái nhìn tổng thể và đa chiều về các giai đoạn lịch sử, các nhân vật sử Việt, các sự kiện đặc biệt tạo nên dấu ấn riêng cho từng anh hùng trong lịch sử của đất nước cũng như những thăng trầm thời cuộc.
Chia sẻ về nghề, Nguyên Phương bộc bạch: “Với nghề viết, tôi thích được sáng tạo và phá cách tươi mới, làm sao để tác phẩm sân khấu gần gũi hơn với cuộc sống hiện đại, đáp ứng được nhu cầu giải trí của khán giả trẻ. Đam mê và theo đuổi nghề viết, tôi chỉ có một niềm mong mỏi là sẽ viết được nhiều kịch bản, bài ca hay hơn, các tác phẩm khi ra đời sẽ được khán giả đón nhận... ”.
Gần 10 năm theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật sân khấu truyền thống, hiện Nguyên Phương đang hoạt động tại sân khấu Sen Việt, tham gia hợp tác với Đài Truyền hình TPHCM và là giảng viên thỉnh giảng khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM.