Tác giả Lê Duy Hạnh tên thật là Lê Thành Yến, sinh năm 1947 tại Bình Định.
Từ năm 1967 đến 1971, Lê Duy Hạnh học đại học ở Sài Gòn và tham gia vào tổ chức Thanh niên Giải phóng. Năm 1972 ông ra chiến khu. Năm 1974, ông ra Hà Nội học trường viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam.
Từ năm 1975 trở đi, ông hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực sáng tác kịch bản sân khấu, ghi dấu bằng nhiều tác phẩm nổi tiếng, đã được các đơn vị nghệ thuật cải lương chọn để đầu tư dàn dựng, biểu diễn và phục vụ khán giả.
Các kịch bản nổi tiếng của ông đã đi vào lòng khán giả, như: Hoa độc trong vườn, Tâm sự Ngọc Hân, Diễn kịch một mình, Dời đô, Độc thoại đêm - Lý Chiêu Hoàng, Mặt trời đêm thế kỷ, Vua thánh triều Lê, Nỏ thần, Hoàng hậu hai vua, Chiếc áo thiên nga, Trời Nam, Miền nhớ…
Đặc biệt, vở Diễn kịch một mình là một trong những tác phẩm kịch nói góp phần tạo nên đỉnh cao của NSND Bạch Tuyết, khi một mình nữ nghệ sĩ độc diễn vở diễn trên sân khấu kịch thể nghiệm 5B Võ Văn Tần vào năm 1992.
Với thể loại cải lương độc diễn, tác giả Lê Duy Hạnh có bộ 3 kịch bản cải lương thể nghiệm đặc sắc dành cho một diễn viên, gồm: Hoàng hậu hai vua, Hồn thơ ngọc, Độc thoại đêm - Lý Chiêu Hoàng. Ba vở này đã tạo dấu ấn đậm nét về thể loại kịch bản lịch sử dành cho một diễn viên.
Bên cạnh các kịch bản sân khấu, tác giả Lê Duy Hạnh còn sáng tác nhiều bài ca cổ được công chúng rất yêu thích như: Đò trăng, Hoa phượng đợi chờ…
Tác giả Lê Duy Hạnh được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2021.
Ông nguyên là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM.
Tang lễ tác giả Lê Duy Hạnh được tổ chức tại Nhà Tang lễ Thành phố, quận Bình Tân. Lễ viếng bắt đầu từ 9 giờ ngày 7-9. Lễ truy điệu diễn ra vào lúc 5 giờ ngày 9-9, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.