Tác giả Jun Phạm: Trong thế giới văn chương, tôi được là chính mình

Jun Phạm (tên thật là Phạm Duy Thuận - ảnh) khép lại năm 2024 với nhiều dấu ấn: thành công trong vai trò ca sĩ biểu diễn tại chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai; đoạt giải C hạng mục Sách thiếu nhi, Giải thưởng Sách Quốc gia với tác phẩm Xứ sở miên man. Trò chuyện với phóng viên Báo SGGP, Jun Phạm đã có những lời tâm sự đầy cảm xúc về hành trình được sống lại tuổi thơ của mình qua từng trang sách.

- PHÓNG VIÊN: Anh đã bắt đầu với Xứ sở miên man thế nào?

- Tác giả JUN PHẠM: Xứ sở miên man bắt nguồn từ sở thích chung của tôi cùng chị Ngô Thanh Vân về văn hóa Việt Nam và truyện cổ tích. Sau thành công của Tấm Cám: Chuyện chưa kể, chị muốn làm điều gì đó mới mẻ, chứ không cổ trang nữa. Bản thân tôi cũng muốn làm gì đó cho thiếu nhi, và từ gợi mở của chị Vân về những điều độc đáo trong văn hóa Việt Nam, tôi cứ thế mà viết nên những suy nghĩ miên man của mình. Lúc đó, tôi nghĩ: mình đã có mười mấy năm viết văn, nhưng để người khác thấy được sự nghiêm túc theo nghề thì mình cần hoàn thiện sách của mình ở mức độ cao hơn. Một năm nhìn lại, tuy đã có nhiều thay đổi, nhưng tôi thấy vui vì tác phẩm của mình đã có hành trình của riêng nó.

CN3b.jpg

- Nhiều người biết về một Jun Phạm ca sĩ hơn là một người viết sách. Đối với anh, thể hiện mình trong âm nhạc và văn chương khác nhau thế nào?

- Khi làm ca sĩ, tôi cần có thời gian trui rèn mới có thể lột từng lớp mặt nạ ra và trở thành chính mình. Nhưng chữ thì khác, văn là người, mình không thể che giấu được con người mình với văn chương. Nếu so với các nghề tôi đã làm, thì nghề viết có lẽ là nghề quan trọng nhưng cũng áp lực nhất. Tuy nhiên, nhờ là ca sĩ, tôi hiểu cách để âm nhạc tiếp cận với các bạn trẻ, nên tôi cũng làm như thế với văn. Tôi tin rằng, cuốn sách này chưa bàn về chữ nghĩa thì ít nhất nó chỉn chu về hình thức, đó chính là cách bản thân tôi tôn trọng độc giả. Vì thế, tôi cố gắng thể hiện những thông điệp rực rỡ sắc màu mà mình muốn gửi gắm qua từng trang sách, từng hình ảnh minh họa.

- Đâu là điều thú vị nhất trong quá trình anh viết Xứ sở miên man?

- Tôi hay ví von rằng tôi có nhiều nhân cách. Khi đóng phim hay trên sân khấu, tôi thể hiện những nhân cách khác nhau để phù hợp với hình thức và câu chuyện của bộ phim, bài hát. Nhất là khi viết tiểu thuyết, tôi cần phải đa nhân cách thật. Trong chương viết về Thập Đại Phú Bà - là những bà tiên hoa màu của xứ sở miên man, tôi đã vẽ ra một sơ đồ để xây dựng nhân cách cho rất nhiều nhân vật. Cái khó nằm ở chỗ làm sao để các nhân vật không bị rối nhân cách, cũng như thể hiện được những đặc điểm và thói quen riêng khi tương tác với nhau. Đối với tôi, đó là thú vui của việc viết sách. Tôi vui vì hóa ra mình có thể đứng về phía một nhân vật khác để lên tiếng nói, thay vì chỉ nói lên tiếng lòng của bản thân. Cũng nhờ đó mà tôi thích viết tiểu thuyết.

- Bên cạnh các nhân vật như rau củ, động vật được thần tiên hóa, trong truyện còn có những nhân vật mang đậm văn hóa Việt Nam như chú Cuội, con Nghê, Tò He. Câu chuyện phía sau những nhân vật này là gì?

- Khi đi nước ngoài, tôi thấy ở các nước rất chú trọng đẩy mạnh văn hóa bản địa. Với niềm thao thức về văn hóa dân tộc, tôi cũng muốn nhân vật của mình thuần Việt và độc bản, lại thêm sự yêu thích đặc biệt với mùa thu và Tết Trung Thu, thế là nhân vật chú Cuội ra đời. Khi liệt kê lại, tôi mới thấy Việt Nam ta có rất nhiều điều hay về văn hóa, nên tôi thêm vào nhân vật Tò He làm bằng bột nếp, chú nghê Bánh Bao, cung trăng, ấm trà, hay chiếc áo Nhật Bình của Mẹ Mìn.

- Đâu là khó khăn lớn nhất của anh trong quá trình viết Xứ sở miên man?

- Khó nhất là kết thúc, nên chương cuối cũng là chương tôi viết lâu nhất. Ban đầu, tôi xây dựng một vũ trụ và chỉ muốn cho nhân vật của mình phiêu lưu trong xứ sở miên man thôi, nơi đó có Mẹ Mìn là nhân vật độc ác. Suốt 3 năm viết sách, tôi thay đổi nội dung liên tục. Càng phân tích nhân vật, tôi càng nhận ra nhiều điều thú vị, như cách Mẹ Mìn đã trở thành nhân vật chính khi nào không hay. Đôi khi tôi cho nhân vật đi chơi thật xa, sau lại không biết làm sao cho nhân vật về. Tôi xây dựng những nhân vật có tính cách khác biệt nhau, và lại phải ngẫm xem làm sao để nhân vật được hoàn thành hành trình của riêng nó. Đây hóa ra không phải cuộc phiêu lưu của một em bé 7 tuổi, mà lại là của người lớn. Vì thế, lúc nghĩ ra cái kết, tôi rất vui và viết xuống một cách thoải mái.

- Anh học được gì từ Xứ sở miên man?

- Tôi thấy mình được nhỏ lại. Thông điệp chính của câu chuyện vẫn là tình yêu thương và sự thấu hiểu giữa các nhân vật. Tôi xây dựng nhân vật Thảo là một người bồng bột, nhận nuôi bé Mì Gói chỉ vì muốn có một đứa con. Anh làm cha và sau đó luôn nghĩ về cha, để hiểu rằng nuôi một đứa trẻ không hề đơn giản. Và để nuôi được một đứa trẻ, bản thân anh cũng phải là một đứa trẻ. Hành trình nhỏ lại của Thảo trong xứ sở miên man cũng chính là hành trình nhỏ lại của riêng tôi. Tôi đặt mình vào những suy nghĩ ngây thơ nhất của trẻ em để giải quyết những thử thách trong truyện. Nhiều bạn đọc cũng nhận ra đây không chỉ là sách thiếu nhi, mà giống một cuốn nhật ký hơn. Tôi luôn nghĩ đơn giản là mình cứ làm thôi, sau khi xong mới tính đến kết quả. Vì thế, tôi vui vì đã hoàn thành được hành trình này.

Jun Phạm (sinh năm 1989) bắt đầu vai trò ca sĩ trong nhóm 365. Sau khoảng thời gian hoạt động nhóm, Jun Phạm tạo ấn tượng tốt với khán giả qua nhiều sản phẩm cá nhân. Ngoài âm nhạc, Jun Phạm cũng thử sức và đoạt nhiều giải thưởng ở các lĩnh vực khác: đạo diễn, diễn viên, biên kịch… Xứ sở miên man là cuốn sách thứ 5, sau hơn 10 năm viết lách của Jun Phạm. Các tác phẩm đã xuất bản trước đó: Nếu như không thể nói nếu như (2013), Có ai giữ giùm những lãng quên (2014), Thức dậy anh vẫn là mơ (2016), 365 - Những người lạ quen thuộc (2016).

Tin cùng chuyên mục