Với lợi thế của một người học về tâm lý học, tác phẩm của tác giả 8X Thương Hà neo vào lòng độc giả bởi cách khai thác tâm lý nhân vật đầy lôi cuốn và hấp dẫn. Đặc biệt, dù còn trẻ nhưng Thương Hà đã mạnh dạn khai thác đề tài về chiến tranh biên giới Tây Nam.
Nhà văn Thương Hà thuộc thế hệ 8X, xuất hiện gần đây với loạt tác phẩm: Người PTSD, Bóng đêm của Diệu, Một con đường, NALIS Xô dạt bờ định mệnh. Nối tiếp 4 tác phẩm được ra mắt vào năm ngoái, năm nay, chị cùng lúc ra mắt 2 tiểu thuyết: Vùng biên không yên tĩnh và Những oan hồn bất tử. Cả hai đều do Huyền Đức và NXB Đà Nẵng ấn hành. Trong đó, Vùng biên không yên tĩnh là tác phẩm viết về cuộc sống của những cựu binh trở về từ chiến trường Campuchia.
Tốt nghiệp chuyên ngành luật và tâm lý học, hiện tác giả Thương Hà đang sống và làm việc tại Hà Nội. Thực tế, không phải đến gần đây, Thương Hà mới xuất hiện, mà chị đã có thời gian viết từ rất lâu, thời còn đi học. Chỉ là chị đã có thời gian dừng bút trước khi trở lại với 6 tiểu thuyết. Dù vậy, theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Thương Hà là một phát hiện khá thú vị của văn chương trẻ trong vài năm trở lại đây.
Tác giả Thương Hà hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội “Một trong những điều đáng ghi nhận là chị đã chọn một thể loại rất nặng ký, đó là tiểu thuyết. Tiểu thuyết cần một sức bền, nhưng với 6 cuốn tiểu thuyết đã ra mắt, tôi cho rằng Thương Hà là một cây bút giàu nội lực. Với cách viết của Thương Hà, cô có thể tiến xa và hoàn toàn định vị được là một tác giả tiểu thuyết trên văn đàn”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn chia sẻ.
Một điều đặc biệt ở Thường Hà là chị có thể viết đa dạng đề tài lẫn thể loại. Điều này được thể hiện rõ nhất trong tiểu thuyết Vùng biên không yên tĩnh.
Tác phẩm gồm 36 chương, dày 408 trang, xoay quanh cuộc đời của nhân vật Bình, sống trong một ngõ nhỏ Hà Nội. Nhìn bằng ánh mắt dửng dưng của láng giềng, thì ông Bình là một nhà văn sống một mình, sống khép kín. Vẻ ngoài lập dị không thể nào che giấu nội tâm luôn luôn bị giằng xé và u uẩn của ông Bình. Bởi lẽ, ông Bình phải mang vác nỗi ám ảnh một cựu binh chiến trường Campuchia.
"Vùng biên không yên tĩnh" là tác phẩm khai thác về chiến tranh biên giới Tây Nam Trước đây, đề tài chiến tranh Campuchia đa phần là do những người trong cuộc như Nguyễn Thành Nhân, Đoàn Tuấn, Sương Nguyệt Minh, Phạm Sỹ Sáu… viết. Không trực tiếp tham gia vào chiến tranh nhưng theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Thương Hà tỏ ra một cây bút rất bản lĩnh khi chọn góc độ của riêng mình, đó là góc độ của người quan sát, viết hậu chiến của một người đàn ông Hà Nội sau khi trở về từ chiến trường Campuchia, sống với nỗi ám ảnh đó như thế nào.
Cùng ra mắt trong dịp này là tiểu thuyết "Những oan hồn bất tử" Cùng ra mắt trong dịp này là tiểu thuyết Những oan hồn bất tử. Tác phẩm gồm 28 chương với 300 trang sách viết về nạn nạo phá thai ở các cô gái trẻ. Nhân vật chính trong tiểu thuyết này là Linh khi đang học lớp 11 đã yêu một chàng trai lớn hơn cô 1 tuổi. Tình cảm giữa Linh và Việt không dừng lại ở lứa tuổi học trò, họ đã ăn trái cấm quá sớm nhưng không biết hoặc không muốn dùng đến các biện pháp ngừa thai an toàn. Kết quả của cuộc tình đầu đời này khiến bố mẹ Linh phải đưa cô đến bệnh viện phá bỏ mầm sống đang tượng hình trong bụng.
QUỲNH YÊN